MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

63 tuổi, bị tai nạn chết, có được hưởng chế độ tai nạn lao động?

NAM DƯƠNG LDO | 20/07/2018 10:00

Bạn đọc có email quocbinhx@xxx hỏi: Bố tôi năm nay 63 tuổi, có ký HĐLĐ làm bảo vệ cho một công ty bảo vệ. Bố tôi bị tai nạn ngã từ trên tầng 4 xuống và chết trong khi đang thực hiện ca trực. Bố tôi đã trên 60 tuổi thì có được hưởng các chế độ về tai nạn lao động (TNLĐ) không? Công ty nói bố tôi đã hết tuổi lao động nên công ty không đền bù mà chỉ có hỗ trợ thôi.

Văn phòng Tư vấn pháp luật báo Lao Động trả lời:

Điều 45 Luật An toàn Vệ sinh lao động quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ như sau: NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

3. NLĐ không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Điều 40 Luật An toàn Vệ sinh lao động 2015 quy định: 1. NLĐ không được hưởng chế độ từ NSDLĐ quy định tại Điều 38 và Điều 39 của Luật này nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau:

a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

b) Do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Như vậy, việc bố bạn có được hưởng chế độ TNLĐ (do cơ quan BHXH chi trả) hay không còn phụ thuộc vào việc bố bạn có tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hay không. Vì thực tế, có những người đã hết tuổi lao động và đang hưởng lương hưu, vẫn ký HĐLĐ để đi làm thêm và lúc này họ không còn phải tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nữa. Ngoài ra, còn phụ thuộc nguyên nhân dẫn đến việc bố bạn bị ngã có thuộc Khoản 1, Điều 40 Luật An toàn - Vệ sinh lao động không.

Khoản 4, 5 Điều 38 Luật An toàn – Vệ sinh lao động quy định về trách nhiệm của NSDLĐ với NLĐ như sau:

4. Bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho NLĐ bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Khoản 10, Luật An toàn – Vệ sinh lao động quy định: Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho NLĐ nghỉ việc do bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Như vậy, công ty bảo vệ bồi thường hay trợ cấp cho thân nhân của bố bạn còn phụ thuộc vào yếu tố lỗi của bố bạn khi xảy ra TNLĐ.

Tư vấn pháp luật

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 - gọi đường dây nóng: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Hà Nội và 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn