MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.

Bị kéo dài thời gian nâng lương do nằm trong lúc nghỉ giữa giờ

NAM DƯƠNG LDO | 12/03/2018 06:24
Bạn đọc có số điện thoại 01644038XXX gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi:

Chúng tôi làm ca đêm, được nghỉ 45 phút. Khi tôi nằm nghỉ thì bị lập biên bản. Nội quy Cty chỉ quy định xử lý kỷ luật bằng hình thức kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng nếu ngủ gục trên máy hay rời bỏ vị trí khi làm việc. Vậy Cty kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng với tôi như vậy có đúng không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 108 Bộ luật Lao động quy định: 1. Người lao động làm việc liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc. 2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì NLĐ được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc. 3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.

Pháp luật hiện hành không quy định thời gian nghỉ 45 phút giữa giờ khi làm đêm NLĐ được làm những gì. Như vậy, về nguyên tắc, NLĐ được quyền tự ý quyết định sử dụng thời gian nghỉ ngơi trên, miễn sao bảo đảm có mặt lại đúng vị trí làm việc sau thời gian nghỉ giữa giờ.

Đối chiếu với thông tin bạn cung cấp, bạn không thuộc trường hợp ngủ gục trên máy hay rời bỏ vị trí khi làm việc như nội quy Cty quy định. Do đó, việc Cty áp dụng hình thức kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng với bạn trong trường hợp này là chưa phù hợp. Ngoài ra, xin lưu ý, khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động, Cty của bạn phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại điều 30, Nghị định 05/2015/NĐ-CP, theo đó, NLĐ phải được thông báo trước ít nhất 5 ngày làm việc, phải có mặt NLĐ (trừ trường hợp đã được thông báo hợp lệ 3 lần mà NLĐ vẫn vắng mặt), NLĐ được quyền tự mình bào chữa hay nhờ người khác bào chữa cho mình; phải có mặt của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở (CĐCS hoặc CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở).

Bạn có thể khiếu nại đến Ban giám đốc Cty. Trường hợp không được giải quyết thỏa đáng, bạn có thể nhờ Phòng LĐTBXH hoặc LĐLĐ cấp huyện nơi Cty đóng trụ sở can thiệp hoặc khởi kiện Cty ra tòa án để được bảo đảm quyền lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn