MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoại tình khiến nhiều gia đình tan nát. Ảnh S.T

Cặp bồ: Chưa có quy định để xử lý

Luật sư Nguyễn Hữu Học, Đoàn Luật sư TPHCM LDO | 19/06/2017 10:16
Dư luận đang quan tâm thông tin về vụ giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Quảng Ninh bắt gặp vợ mình ngoại tình trong nhà nghỉ, sau đó vị giám đốc này đã nhiều lần đánh đập, đe dọa giết cả nhà tình địch và ép buộc người đàn ông này tự phải chặt một đốt ngón tay. Câu hỏi đặt ra, với những người trong cuộc, pháp luật sẽ xử lý thế nào? Dù pháp luật có nhiều chế tài về việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, nhưng lại thiếu chế tài cho những trường hợp “cặp bồ” này.

Điều 48 Nghị định 110/2013/ NĐ – CP Quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản  doanh nghiệp hợp tác xã” về hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn: 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ….

Khoản 1, điều 147 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, như sau: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.

Như vậy, điều kiện tiên quyết để xử phạt vi phạm hành chính hay xử lý hình sự những người này phải là “chung sống như vợ chồng”.

Câu hỏi đặt ra, chung sống như vợ chồng là thế nào? Khoản 7, điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 định nghĩa: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”.

Còn tại mục 3 Thông tư Liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định của chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.

Đối chiếu với vụ việc xảy ra tại Quảng Ninh mà báo chí đã thông tin, thì hành vi của vị giám đốc ngân hàng có dấu hiệu vi phạm tội “Cố ý gây thương tích”; “Đe dọa giết người”. Nhưng tôi tin rằng khi xử lý, các cơ quan chức năng sẽ cân nhắc đến hoàn cảnh xảy ra vụ việc và có thể xem xét yếu tố phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh đối với vị này.

Còn đối với người đàn ông tên T và bà L, vợ của vị giám đốc chi nhánh ngân hàng, dù hành vi của họ chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự cũng như xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm hôn nhân một vợ một chồng, vì họ chỉ quan hệ lén lút, thỉnh thoảng gặp nhau; nhưng họ sẽ phải chịu sự lên án của xã hội, gia đình, bạn bè và sự phán xét của chính lương tâm vì dù cả hai đã có gia đình, nhưng họ vẫn bất chấp, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống, không chung thủy với vợ chồng. Và con cái họ sẽ nhìn cha mẹ ra sao, vì chính hành vi của họ đã làm tan nát gia đình?

>>>Bà nội hai cháu bé bị mẹ bỏ rơi ở vỉa hè trần tình về hoàn cảnh bi đát

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn