MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người già yếu, không thể đi lại được thì có thể thực hiện công chứng di chúc ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Ảnh: Hải Nguyễn

Có được công chứng di chúc ngoài trụ sở văn phòng công chứng?

thu thuỷ LDO | 21/11/2022 14:00

Bạn đọc có email thdatxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Mẹ tôi già yếu muốn lập di chúc và công chứng. Xin hỏi, có thể thực hiện công chứng di chúc ngoài trụ sở của Văn phòng công chứng không?

Luật gia Nguyễn Thu Thủy, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định về địa điểm công chứng như sau:

1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Người già yếu có thể yêu cầu công chứng di chúc ngoài trụ sở văn phòng công chứng. Ảnh: Tạ Quang - Yến Phương

Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng như sau:

1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.

Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.

2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký.

Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:

a) Công chứng di chúc;

b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;

c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.

Như vậy, mẹ bạn có thể yêu cầu công chứng di chúc ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và có thể điểm chỉ thay thế việc ký trong văn bản công chứng nếu không biết ký.

Tư vấn pháp luật

Hãy gọi đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi:

tuvanphapluat@laodong.com.vn để được trả lời.

Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn