MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa.

Có được ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm nhãn hiệu?

Đặng Nụ LDO | 29/09/2019 08:00
Bạn đọc có email thanhhuex@xx gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Công ty tôi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đã được cấp văn bằng bảo hộ. Gần đây, công ty tôi phát hiện đơn vị khác có hành vi xâm phạm nhãn hiệu này gây thiệt hại cho công ty. Xin hỏi, công ty tôi có thể ủy quyền cho đơn vị khác yêu cầu xử lý xâm phạm nhãn hiệu hay không?

Luật gia Đặng Thị Nụ, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định về quyền sở hữu công nghiệp như sau: Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Điều 23 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định về ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm như sau:

1. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Nghị định này nếu không trực tiếp nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm thì có thể ủy quyền cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý của mình hoặc đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam tiến hành thủ tục yêu cầu xử lý vi phạm quy định tại Nghị định này.

2. Việc ủy quyền phải được làm bằng văn bản dưới hình thức giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền. Văn bản ủy quyền của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp của bên ủy quyền và con dấu xác nhận của bên ủy quyền, nếu có con dấu đăng ký hợp pháp. Văn bản ủy quyền của tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương hoặc lãnh sự quán, hoặc hình thức khác được coi là hợp pháp theo quy định của pháp luật tại nơi lập văn bản ủy quyền.

Khoản 1 Điều 22 Nghị định này quy định về chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu xử lý xâm phạm như sau:

1. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp bao gồm:

a) Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm bao gồm cả tổ chức được trao thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam;

b) Người có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm, nếu không bị chủ sở hữu công nghiệp hạn chế quyền yêu cầu xử lý vi phạm.

Như vậy, nếu đơn vị khác có hành vi xâm phạm nhãn hiệu của công ty đã được bảo hộ và gây thiệt hại mà công ty không trực tiếp nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm thì có thể ủy quyền cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý của mình hoặc đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam thực hiện.

Tư vấn pháp luật

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 - gọi đường dây nóng: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Hà Nội và 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần.

Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn