MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có huỷ được thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động?

N.DƯƠNG LDO | 20/03/2018 08:26
Bạn đọc có email lanh.mt@xxx.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tháng 5.2016, tôi ký HĐLĐ không xác định thời hạn với Cty A. Ngày 5.3.2018, Cty gửi cho tôi thông báo và thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ (báo trước 45 ngày) ghi rõ đến ngày 26.4.2018 là HĐLĐ của tôi hết hiệu lực.

Tôi đã ký biên bản thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, nay tôi có thể xin hủy biên bản thỏa thuận này không?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

1. Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau đây:

a) NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ;

b) NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo 1 công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của NLĐ bình phục, thì NLĐ được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại điều 33 của bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn;

c) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1 điều này và đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo 1 công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Như vậy, bạn chỉ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu thuộc các trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, do bạn đã ký vào biên bản thoả thuận chấm dứt HĐLĐ nên trở thành trường hợp 2 bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 3, điều 36 Bộ luật Lao động 2012.

Khi chấm dứt HĐLĐ, bạn có thể đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cty chỉ phải bồi thường cho bạn nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Nhưng do 2 bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ nên không phải bồi thường gì. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn