MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con nuôi hợp pháp được thừa kế như con đẻ

Hiếu Anh LDO | 09/09/2022 15:28

Nhiều người băn khoăn con nuôi có được hưởng thừa kế hay không? Nếu được thì hưởng như thế nào?

Chị Hoàng Thị Vân chia sẻ, bố mẹ chị có 2 người con gái. Mẹ chị mất sớm, bố chị ở vậy nuôi con. Sau đó, bố chị có nhận nuôi 1 người con trai. Nay, bố chị đã qua đời mà không để lại di chúc. Chị băn khoăn về mặt pháp luật, người em trai của chị có được hưởng thừa kế không?

Trao đổi vấn đề này, Luật gia Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, bố chị Vân không để lại di chúc. Do đó, trường hợp này, di sản thừa kế của người chết sẽ được chia theo pháp luật.

Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy theo quy định của pháp luật, con nuôi của người chết thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng thừa kế. Tuy nhiên, cần nắm rõ quy định của pháp luật về con nuôi. Theo đó khoản 3 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010 giải thích con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010  quy định thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi như sau:

1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

3. Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, con nuôi hợp pháp phải đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Tóm lại, với những thông tin chị Vân cung cấp cần xác định việc nuôi con nuôi của bố chị đã đăng ký với cơ quan nhà nước và được cho phép hay chưa? Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã cho phép thì người con nuôi sẽ được xác định thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Khi đó, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn