MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con từ chối thừa kế, di sản của bố được phân xử thế nào?

nguyễn thuý LDO | 27/06/2022 14:00

Bạn đọc có email thanhtoanxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi là người thừa kế duy nhất của bố tôi, nhưng đã lập văn bản từ chối di sản thừa kế vì không muốn phải trả khoản nợ do bố để lại. Xin hỏi di sản bố tôi để lại sẽ được phân xử thế nào?

Luật gia Nguyễn Thị Thúy, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về từ chối di sản như sau:

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Điều 59 Luật Công chứng năm 2014 quy định về việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản như sau:

Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.

Tài sản không có người nhận thừa kế quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

Như vậy, trường hợp bạn từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản sẽ thuộc về Nhà nước theo các quy định nêu trên.

Tư vấn pháp luật

Hãy gọi đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi:

tuvanphapluat@laodong.com.vn để được trả lời.

Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn