MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nam sinh (bên trái) và người đàn ông nhặt được điện thoại cãi vã, sau đó người đàn ông đập vỡ chiếc điện thoại. Ảnh: Cắt từ clip

Đập vỡ iPhone của sinh viên đánh rơi, tài xế xe ôm có thể bị xử lý thế nào?

Nam Dương LDO | 03/07/2023 16:15

Dư luận đang quan tâm đến vụ việc một người đàn ông mặc áo xe ôm công nghệ ở TP Hồ Chí Minh nhặt được điện thoại iPhone của một sinh viên đánh rơi và đòi chuộc lại với giá 9 triệu đồng. Khi sinh viên này xin chuộc lại với giá 2 triệu đồng, thì người đàn ông đã đập vỡ chiếc điện thoại nói trên. Vụ việc sau đó đã được hòa giải và người đàn ông chấp nhận bồi thường cho sinh viên.

Câu hỏi đặt ra là việc nhặt được tài sản của người khác bỏ quên, đánh rơi, rồi đòi tiền chuộc có hợp pháp không? Hành vi đập điện thoại của người đàn ông đó sẽ bị xử lý thế nào? Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc bồi thường tài sản thì sẽ xử lý ra sao?

Về việc này, luật sư Bùi Công Thiệu - Văn phòng Luật sư Phương Minh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh - cho biết, Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau:

1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

UBND cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

Sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện là 18 triệu đồng) thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, theo đó, tùy giá trị tài sản là bao nhiêu và tùy thuộc tính chất phạm tội, mức độ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà người phạm tội có thể bị phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, việc người đàn ông nhặt được điện thoại của sinh viên rồi "ra giá" đòi tiền chuộc là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Trường hợp người nhặt được tài sản của người khác bỏ quên, đánh rơi cố tình không trả lại tài sản, thì người bỏ quên, đánh rơi có thể khởi kiện ra Tòa án Nhân dân để tòa tuyên buộc người nhặt được tài sản phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

Còn nếu phải xử lý hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì trong vụ án hình sự, người có tài sản bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng, có thể tham gia phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự, và có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn