MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản cần có gấy khám sức khỏe và phải đóng BHXH, BHYT. Ảnh: Nam Dương

Đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, có cần giấy khám sức khỏe?

Nam Dương LDO | 20/08/2017 17:16

Tôi nghỉ việc nhưng vẫn giữ thẻ BHYT, thì thẻ BHYT này có giá trị sử dụng không? Tôi đi làm sớm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản có cần giấy chứng nhận sức khỏe không, có phải đóng BHXH không? Đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu ở tuyến xã, đến tỉnh khác khám bệnh có được tính là khám bệnh đúng tuyến không? Đây là những câu hỏi chính mà Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động nhận được trong tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Đi làm sớm, phải đóng BHXH

Các bạn đọc số điện thoại 02083904XXX, 02743765XXX, 02743555XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559, hỏi về việc đi làm sớm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản.

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 40, Luật BHXH 2012 quy định: 1. Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3, Điều 34 của luật này khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng; b) Phải báo trước và được người sử dụng lao động (NSDLĐ) đồng ý. 2. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3, điều 34 của luật này. Điều 157, BLLĐ 2012 quy định, thời gian lao động nữ được hưởng chế độ thai sản là 6 tháng, trường hợp trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của NLĐ và được NSDLĐ đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng. Ngoài ra, điểm c, khoản 2, điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định: Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH. Kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3, điều 34 của Luật BHXH, nhưng NLĐ và NSDLĐ phải đóng BHXH, BHYT.

Như vậy, nếu lao động nữ muốn đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ thai sản, thì cần có giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về việc đi làm sớm không ảnh hưởng đến sức khỏe và phải đóng BHXH, BHYT cho thời gian đi làm sớm.

Nghỉ việc, thẻ BHYT còn giá trị?

Bạn đọc số 091827XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559: Tôi nghỉ làm đã hơn 1 tháng, nhưng vẫn còn giữ thẻ BHYT. Thẻ này còn sử dụng được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Ngày 18.10.2016, Cơ quan BHXH TPHCM đã ban hành công văn số 2533/BHXH-QLT gửi các đơn vị sử dụng lao động về việc không thu hồi thẻ BHYT của NLĐ giảm. Theo đó, khi có phát sinh giảm người tham gia BHYT, đơn vị phải kịp thời lập danh sách báo giảm gửi cơ quan BHXH ngay trong tháng đó (tính đến ngày cuối cùng của tháng). Nếu báo giảm sau ngày cuối cùng của tháng thì phải đóng hết giá trị thẻ BHYT của tháng kế tiếp và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết tháng đó. Cơ quan BHXH không thu hồi thẻ BHYT các trường hợp báo giảm.

BHXH TPHCM cũng lưu ý: Đơn vị thông báo cho NLĐ khi thôi việc nếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc khác thì đăng ký ngay tham gia BHYT hộ gia đình (trước 10 ngày khi thẻ cũ hết giá trị sử dụng để được gia hạn thẻ) nhằm đảm bảo quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục theo quy định của Luật BHYT. Trường hợp NLĐ báo giảm đang mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo, nguy hiểm có yêu cầu đóng hết giá trị thẻ còn lại để khám chữa bệnh trong khi chờ tham gia BHYT hộ gia đình, thì cơ quan BHXH sẽ thực hiện theo yêu cầu của NLĐ và đơn vị sử dụng lao động. Như vậy, mặc dù bạn vẫn giữ thẻ BHYT, nhưng nếu Cty nơi bạn làm việc có báo giảm với cơ quan BHXH thì thẻ BHYT của bạn sẽ không còn giá trị sử dụng.

Hưởng chế độ tử tuất thì thôi trợ cấp tuổi già

Bạn đọc số 967515XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559: Bố tôi đang hưởng trợ cấp người già, anh rể tôi chết, nên bố tôi được hưởng trợ cấp tử tuất. UBND xã cắt trợ cấp tuổi già có đúng không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 5, điều 5, Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối tượng bảo trợ xã hội có nêu: Đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng là người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng; b) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a, khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; c)…

Do bố bạn được hưởng trợ cấp tử tuất (một loại trợ cấp BHXH) nên không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 5, điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Do đó, việc UBND xã làm thủ tục cắt trợ cấp tuổi giả của bố bạn là có cơ sở pháp lý.

Đăng ký BHYT cấp xã, đến tỉnh khác khám bệnh, có đúng tuyến?

Bạn đọc số 0983985XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559: Vợ tôi đăng ký khám BHYT tuyến đầu ở cấp xã tại Lạng Sơn. Nay vợ tôi về Bắc Giang làm việc, đi khám bệnh thì có được coi là đúng tuyến không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 2, Điều 11 Thông tư 45/2015/TT-BYT quy định các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT: 2. Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền).

Do đó, nếu vợ bạn chỉ chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền) của tỉnh Bắc Giang thì vẫn được tính là đi khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn