MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều kiện giải quyết thôi phục vụ tại ngũ với quân nhân chưa đủ tuổi hưu

Minh Hương LDO | 08/08/2022 19:11

Luật sư trả lời thắc mắc của bạn đọc về điều kiện giải quyết thôi phục vụ tại ngũ, thôi việc với quân nhân chuyên nghiệp.

Ông Quang Minh hỏi: Tôi sinh năm 1969, là quân nhân chuyên nghiệp, cấp bậc thượng tá, phục vụ 25 năm trong quân ngũ, trong đó có 29 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Tôi vừa phát hiện bị ung thư giai đoạn 1. Bệnh của tôi nằm trong danh mục cần chữa trị dài ngày theo Thông tư số 26/2014/Tt-BQP, ngày 20.5.2014 của Bộ Quốc phòng. Vậy tôi có được giải quyết thôi phục vụ tại ngũ, thôi việc không?

Luật sư Vũ Thuỳ Trang - Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Điều 21 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng 2015 quy định về hình thức thôi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp như sau:

1. Nghỉ hưu.

2. Phục viên.

3. Nghỉ theo chế độ bệnh binh.

4. Chuyển ngành.

Điều 22 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng 2015 quy định về điều kiện thôi phục vụ tại ngũ như sau:

1. Quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Khi hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật này và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;

b) Nam quân nhân chuyên nghiệp có đủ 25 năm, nữ quân nhân chuyên nghiệp có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên do thay đổi tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng;

c) Trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 17 của Luật này.

2. Quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ theo chế độ bệnh binh khi sức khỏe bị suy giảm theo quy định của pháp luật.

3. Quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ tại ngũ được chuyển ngành khi được cấp có thẩm quyền đồng ý và được cơ quan, tổ chức nơi đến tiếp nhận.

4. Quân nhân chuyên nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này thì được phục viên.

Khoản 4 Điều 17 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng 2015 quy định như sau:

Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Khoản 2 Điều 17 Luật Quân nhân chuyên nghiệp công nhân viên chức quốc phòng 2015 quy định như sau:

2. Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm:

a) Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi;

b) Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi;

c) Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Khoản 1, Điều 4, Thông tư số 157/2013/TT-BQP quy định về quản lý, điều trị, chăm sóc, giải quyết chính sách  đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu do Quân đội quản lý bị bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần quy định như sau:

1. Người bị bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, sau thời gian điều trị không quá 2 năm (24 tháng) kể từ ngày bị bệnh phải được giám định y khoa, nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không đủ sức khỏe phục vụ quân đội thì giải quyết thôi phục vụ tại ngũ, thôi việc.

Như vậy, năm nay ông 53 tuổi, chưa hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định nhưng ông vẫn có thể được giải quyết thôi phục vụ tại ngũ, thôi việc nếu sau thời gian điều trị không quá 2 năm kể từ ngày bị bệnh, Hội đồng giám định y khoa kết luận bạn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn