MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 8 người chết tại Hải Dương hồi đầu năm 2019. Ảnh: PV

Gây tai nạn bỏ chạy do bị đe dọa tính mạng có bị coi là bỏ trốn?

H.Nguyên LDO | 20/09/2019 10:00
Phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu...

Do thiếu quan sát trong khi lái xe nên cháu tôi đã để xe đâm phải một đoàn xe đang đi rước dâu. Sau khi gây tai nạn, cháu tôi thấy những người còn lại trong đoàn rước dâu cầm gạch đá, hò hét đòi xử lý. Do lo sợ, cháu tôi đã bỏ xe và chạy khỏi hiện trường nhưng sau đó đã tới cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo. Vậy hành vi bỏ trốn của cháu tôi có bị coi là hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm (quy định tại Khoản 17 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008) không?

Anh Tuấn, Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội

Luật sư Nguyễn Trung - Đoàn luật sư Hà Nội xin trả lời như sau:

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định người điều khiển phương tiện và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

“b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất”

Như vậy, có thể thấy, Luật giao thông đường bộ năm 2008 cho phép người điều khiển phương tiên gây tại nạn rời khỏi hiện trường vụ tai nạn trong các trường hợp sau:

-      Người điều khiển phương tiện gây tai nạn bị thương phải đưa đi cấp cứu;

-      Người điều khiển phương tiên gây tai nạn phải đưa người bị nạn đi cấp cứu;

-      Người điều khiển phương tiện bỏ đi vì lý do bị đe dọa đến tính mạng.

Lưu ý, trong các trường hợp này người điều khiển phương tiện phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Như vậy, trong trường hợp của cháu bạn do lo sợ bị những người trong đoàn rước dâu dọa đánh và xử lý mình nên mới bỏ xe và trốn khỏi hiện trường.

Sau đó, cũng đã tới trình báo tại trụ sở công an nơi gần nhất. Vì thế, hành vi của cháu bạn không bị coi là hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm (quy định tại Khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn