MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không thể ủy quyền đại diện giải quyết thủ tục ly hôn, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định (hình minh họa). Ảnh: Thành An

Không được thực hiện ủy quyền khi làm thủ tục ly hôn

Thành An LDO | 18/08/2024 11:26

Bà Rịa - Vũng Tàu - Nhiều người chọn ủy quyền để người khác đại diện giải quyết công việc, nhưng điều này không thực hiện được trong thủ tục giải quyết ly hôn.

Thế nào là ủy quyền

Theo luật sư Nguyễn Văn Cảnh (Công ty Luật Nguyễn Cảnh - Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ủy quyền là việc một người chuyển quyền cho người khác thay mình thực hiện một hoặc một số công việc theo nội dung mà các bên đã thỏa thuận, trong một thời hạn nhất định hoặc đến khi công việc được hoàn thành.

Ủy quyền có thể dưới nhiều hình thức: ủy quyền bằng lời nói hoặc ủy quyền bằng văn bản. Trong đó, hình thức thông dụng nhất là ủy quyền bằng văn bản được chia làm 2 loại gồm: giấy ủy quyển và hợp đồng ủy quyền.

Đó là những văn bản pháp lý ghi nhận việc người ủy quyền đồng ý để người được ủy quyền thay mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền.

Không thể ủy quyền khi thực hiện thủ tục ly hôn

Luật sư Cảnh cho biết, dù việc ủy quyền là vấn đề khá phổ biến, song không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện ủy quyền cho người khác thực hiện, chẳng hạn như thủ tục giải quyết ly hôn.

Theo quy định tại điều 39 Bộ luật dân sự 2015, hôn nhân là quyền nhân thân của mỗi cá nhân. Do đó, trong vấn đề ly hôn, pháp luật dân sự có những quy định bắt buộc đương sự phải trực tiếp tham gia thực hiện các thủ tục tố tụng tại Toà án mà không thể ủy quyền cho người khác thực hiện.

Tại khoản 4 điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 ghi rõ: "Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện".

Còn tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ".

Như vậy, vợ, hoặc chồng (hoặc cả hai) muốn thực hiện ly hôn phải tự mình đến Tòa án để giải quyết. Trừ trường hợp bị tâm thần hoặc mắc bệnh không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình... thì cha, mẹ hoặc người thân thích khác được phép trở thành người đại diện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn