MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều "Chuyến xe 0 đồng" nhưng thực chất thu giá rất cao. Ảnh: PĐ.

Lợi dụng “Chuyến xe 0 đồng” để thu giá "cắt cổ" bị xử lý thế nào?

Nam Dương LDO | 05/08/2021 14:45

Hành vi lợi dụng từ thiện bằng "Chuyến xe 0 đồng" để thu giá "cắt cổ" của người dân ngoài việc vi phạm đạo đức, còn vi phạm điều cấm của pháp luật. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng lây lan dịch bệnh, có thể bị xử lý hình sự.

Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện gần 10 chuyến xe gắn băng rôn: “Chuyến xe nghĩa tình đưa bà con về quê”, “Chuyến xe 0 đồng hỗ trợ bà con về quê” chở người từ TP.HCM về Thừa Thiên Huế, nhưng thực chất lại thu của khách 2 triệu đồng/người. Nhờ những băng rôn đó, các chuyến xe này được các lực lượng chức năng tạo điều kiện hỗ trợ lưu thông.

Vậy, hành vi trên có vi phạm các quy định của pháp luật không và sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - phân tích: Ngày 1.8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành Công văn khẩn số 2556/UBND-VX trong đó có quy định yêu cầu người dân tại TPHCM “ai ở đâu ở đấy", tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi thành phố cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được UBND TPHCM phối hợp với các tỉnh, thành đưa về quê theo nhu cầu.

Như vậy, hiện nay, Sở Giao thông Vận tải TPHCM chỉ phối hợp và cấp phép đưa người dân về quê đối với trường hợp được UBND các địa phương đồng ý tiếp nhận người có nhu cầu cấp thiết về quê. Việc đưa người dân về quê theo chương trình từ thiện (nếu có) cũng bắt buộc phải có kế hoạch cụ thể đã được chính quyền nơi đến và nơi đi đồng ý. Do đó, hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân ngoài việc vi phạm đạo đức nghiêm trọng, còn vi phạm điều cấm của pháp luật, cụ thể là vi phạm Khoản 3, Điều 3, Nghị định 64/2008/NĐ-CP về "lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi".

Việc đơn vị vận tải hành khách tự ý đưa người dân ra khỏi vùng dịch mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền tại TPHCM là hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Và đây cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Theo Khoản 2, Điều 14, Nghị định 117/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Đặc biệt, nếu trường hợp có người trên xe bị mắc COVID-19, mà do hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của đơn vận tải hành khách, dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác, thì có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Đối với tội danh này, tùy mức độ vi phạm, tùy hậu quả gây ra, mà người phạm tội có thể bị xử phạt tù cao nhất đến 12 năm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

“Cá nhân tôi thấy rằng, hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân của đơn vị vận tải hành khách nêu trên là đáng bị lên án. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ các hành vi vi phạm nếu có và có biện pháp xử lý nghiêm minh để răn đe các đối tượng đang có ý định thực hiện các hành vi vi phạm tương tự” - luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn