MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đối tượng sử dụng trang phục Công an nhân dân để giả danh Công an phạm tội. Ảnh: Công an Cần Thơ

Mức xử lý đối tượng mua bán trái phép, sử dụng trang phục công an để phạm tội

Bảo Tuấn LDO | 10/06/2024 14:18

Bộ Công an thông tin về việc xử lý hành vi mua bán trái phép và sử dụng trang phục Công an để phạm tội.

Bạn đọc Nguyễn Oanh hỏi, hiện nay, có tình trạng mua bán trái phép, sử dụng trang phục, phù hiệu, số hiệu, giấy Chứng minh Công an nhân dân (CAND) và giả danh Công an để phạm tội, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc này để giả danh Công an nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Vậy hành vi mua bán trái phép và sử dụng trang phục Công an để phạm tội sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời nội dung này trên Cổng thông tin điện tử, Bộ Công an cho biết:

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 160/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng CAND (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 29/2016/NĐ-CP ngày 21.4.2016) quy định như sau: "Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".

Những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.

Các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu CAND với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn, đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 về tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 191 về tội Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và Điều 192 về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả của Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND để giả danh Công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Trường hợp làm giả, sử dụng giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ngoài tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 341 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn