MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghỉ hưởng chế độ thai sản là nghĩa vụ hay quyền lợi?

NAM DƯƠNG LDO | 04/04/2018 14:30
Bạn đọc có email tranyenx@xxx hỏi: Tôi sinh con tháng 4.2018 và chấm dứt HĐLĐ, báo giảm không tham gia BHXH luôn, thì có được hưởng chế độ thai sản không? Tháng 5.2018, tôi đi làm nơi khác thì cơ quan này có được đóng BHXH luôn không?

Theo quy định của Luật BHXH, NLĐ được nghỉ 6 tháng hưởng chế độ thai sản, đây là “nghĩa vụ” phải nghỉ hay là quyền lợi? Tôi không muốn nghỉ đủ 6 tháng hoặc đủ 4 tháng thì có đi làm được không và có được đóng BHXH không?

Luật sư Nguyễn Hữu Học, Giám đốc Cty Luật TNHH TDH, Đoàn Luật sư TPHCM trả lời:

Điều 31 Luật BHXH 2014 quy định:

1. NLĐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

2. NLĐ quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. NLĐ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. NLĐ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

Như vậy, nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ hưởng chế độ thai sản dù đã chấm dứt HĐLĐ.

Khoản 2, Điều 39 Luật BHXH 2014 quy định:  Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

Điều 40, Luật BHXH 2012 quy định:

1. Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3, Điều 34 của luật này khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng; b) Phải báo trước và được người sử dụng lao động (NSDLĐ) đồng ý.

2. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3, Điều 34 của luật này.

Điều 157, Bộ luật Lao động 2012 quy định, thời gian lao động nữ được hưởng chế độ thai sản là 6 tháng, trường hợp trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của NLĐ và được NSDLĐ đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.

Như vậy, việc nghỉ hưởng chế độ thai sản là quyền lợi của NLĐ. Bạn chỉ có thể đi làm, đóng BHXH được sau khi đã nghỉ hưởng chế độ thai sản ít nhất 4 tháng.

Tư vấn pháp luật

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 - gọi đường dây nóng: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Hà Nội và 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn