MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghỉ việc trái luật, phải trả 4 tháng lương mới được nhận lại sổ BHXH?

NAM DƯƠNG LDO | 07/03/2018 18:30

Bạn đọc có số điện thoại 0944123XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động (0961360559) hỏi: Tôi xin nghỉ việc rồi nghỉ ngay, không nhận lại sổ BHXH. Nay tôi đi làm ở chỗ mới, Cty yêu cầu tôi phải có sổ BHXH để tham gia BHXH cho tôi. Tôi liên hệ với Cty cũ thì được yêu cầu phải trả cho Cty 4 tháng lương mới được nhận lại sổ BHXH. Cty làm vậy có đúng không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 41 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012 quy định: Đơn phương chấm dứt HĐLĐ là các trường hợp chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của bộ luật này. Điều 37 BLLĐ 2012 quy định, đối với NLĐ có HĐLĐ không xác định thời hạn được quyền chấm dứt HĐLĐ sau khi đã báo trước cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) 45 ngày mà không cần lý do.

Đối với NLĐ có HĐLĐ xác định thời hạn, thì ngoài việc phải báo trước 30 ngày, còn phải có các lý do chính đáng như bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ; được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Với các trường hợp không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ; không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ; bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động thì phải báo trước 3 ngày. Với NLĐ có HĐLĐ mùa vụ thì phải báo trước ít nhất 3 ngày... Do bạn xin nghỉ việc mà nghỉ ngay nên nhiều khả năng thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Điều 43 BLLĐ 2012 quy định về nghĩa vụ của NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như sau: 1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ. 2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho NSDLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước. 3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho NSDLĐ theo quy định tại điều 62 của bộ luật này. Khoản 3, điều 62 BLLĐ 2012 quy định: Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có NLĐ chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng BHXH, BHYT cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

Do đó, nếu bạn thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì bạn phải bồi thường cho NSDLĐ theo quy định trên, nhưng mức tối đa tương đương 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ (gồm ½ tháng lương và 45 ngày báo trước), nếu giữa bạn và công ty không có hợp đồng đào tạo. Nếu có hợp đồng đào tạo, ngoài khoản bồi thường như trên, bạn còn phải hoàn trả cho công ty chi phí đào tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn