MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu nhiều người cùng xin nhận một đứa trẻ làm con nuôi, thì việc nhận nuôi sẽ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều người cùng xin nhận con nuôi, ai sẽ được ưu tiên?

thu thuỷ LDO | 22/05/2023 06:00

Bạn đọc có emaill tutrinhxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Xin hỏi, nếu nhiều người cùng xin nhận một đứa trẻ làm con nuôi, thì ai sẽ được ưu tiên nhận nuôi và việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt khi nào?

Luật gia Nguyễn Thu Thủy, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Điều 5, Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế như sau:

1. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được thực hiện quy định sau đây:

a) Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;

c) Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;

d) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

đ) Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

2. Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.

Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi, theo đó, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.

Điều 13 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về các hành vi bị cấm như sau:

1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.

2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Như vậy, nếu nhiều người cùng xin nhận một đứa trẻ làm con nuôi, thì việc nhận nuôi sẽ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định được trích dẫn ở trên. Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp cụ thể theo các quy định nêu trên.

Tư vấn pháp luật

Hãy gọi đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi:

tuvanphapluat@laodong.com.vn để được trả lời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn