MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phải làm 3 năm mới được mang thai là đúng?

NAM DƯƠNG LDO | 24/10/2017 14:30
Bạn đọc có số điện thoại 098977xxx gọi đến VP Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Cty tôi có thỏa thuận với lao động nữ phải đi làm 3 năm mới được có thai. Nay Cty có trường hợp lao động nữ mới đi làm được 1 năm đã có bầu thì Cty có xử lý kỷ luật sa thải được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Tự do kết hôn và sinh con là quyền cơ bản của con người được pháp luật thừa nhận và bảo hộ.  Khoản 2, điều 17, BLLĐ 2012 quy định về nguyên tắc giao kết HĐLĐ: Tự do giao kết HĐLĐ nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

Do đó, thỏa thuận của Cty với NLĐ về việc NLĐ phải làm việc cho Cty 3 năm mới được có quyền có thai là trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Khoản 3, điều 50 BLLĐ 2012 quy định: Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của HĐLĐ quy định quyền lợi của NLĐ thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của HĐLĐ hạn chế các quyền khác của NLĐ thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu. Do đó, thỏa thuận của các bên hạn chế quyền sinh con của NLĐ nữ bị coi là trái pháp luật và vô hiệu.

Khoản 3 điều 155 BLLĐ 2012 quy định: “NSDLĐ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp NSDLĐ là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.

Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, hành vi vi phạm phải được quy định trong Nội quy lao động của Cty, nhưng Nội quy lao động không được trái pháp luật và phải tuân theo trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP. 

Như đã nêu trên, quy định của Cty là lao động nữ phải làm việc 3 năm mới có quyền có thai là trái pháp luật. Do đó, Cty của bạn không thể xử lý kỷ luật được lao động nữ nói trên. Đồng thời, Cty phải sửa đổi thỏa thuận ngăn cản quyền tự do sinh con của NLĐ.

Tư vấn pháp luật Báo Lao Động:

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 - gọi đường dây nóng: 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Hà Nội và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn