MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Xuyên Đông

Quy định về nồng độ cồn trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia

Xuyên Đông LDO | 24/11/2023 22:30

Lý giải quy định cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chiều 24.11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, quy định này nhằm thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Vậy Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định về nồng độ cồn như thế nào?

Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định những hành vi bị cấm.

Trong đó, khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm.

Điều 21 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia như sau:

Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.

Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết thêm, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14.6.2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020.

Luật gồm 7 chương, 36 Điều, quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Lý giải về quy định nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ngày 24.11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, quy định cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.

Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỉ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, báo cáo khẳng định Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn