MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh T.L

Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: Các nghi can có thể đối diện mức án nào?

Nam Dương (ghi) LDO | 23/06/2017 13:26
Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hòa Bình vừa bắt tạm giam ông Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Cty TNHH Xử lý nước Trâm Anh - để điều tra về hành vi Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp; ông Trần Văn Sơn - cán bộ Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - để làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; và ông Hoàng Công Lương - Khoa Hồi sức tích cực – Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - để điều tra về hành vi vi phạm quy định về chữa bệnh. 
Câu hỏi đặt ra, trong quá trình điều tra, nếu các bị can trên bị kết vào các tội danh như đã nêu thì sẽ phải đối diện với mức án nào?
Luật sư Trần Phi Đại - Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết, Điều 99 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính như sau: 1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm. 2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Đại phân tích: Để kết tội đối với người có hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp làm chết người thì phải làm rõ được hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp là hành vi nào? Có trái với quy tắc nghề nghiệp không? Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả chết người không, có nghĩa là hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết người chứ không phải là do nguyên nhân khác. Yếu tố lỗi trong trường hợp này có thể là vô ý do cẩu thả hoặc vô ý do quá tự tin.

Đối với Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Điều 285, Bộ luật Hình sự 1999 quy định:

1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Còn Điều 242 Bộ luật Hình sự 1999 quy định: 1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ 7 năm đến 15 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, nếu các bị can bị kết tội với các tội danh trên thì ngoài hình phạt tù còn có thể bị cấm hành nghề đến 5 năm.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn