MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không phải ai đóng BHYT 5 năm liên tục cũng được hưởng 100% khi khám, chữa bệnh BHYT. Ảnh: Nam Dương

Tăng lương cơ sở có tăng lương hưu?

Nam Dương LDO | 01/07/2017 14:35
Từ 1.7.2017, khi tăng lương cơ sở thì có tăng lương hưu, tăng trợ cấp xã hội không? Đóng BHYT 5 năm liền thì có được miễn chi phí cùng chi trả khi đi khám bệnh BHYT không? Đang đóng BHXH tự nguyện mà khó khăn có thể thay đổi phương thức đóng không?... Đây là những câu hỏi chính mà Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được trong tuần qua.

Tăng lương cơ sở, chưa tăng lương hưu

Các bạn đọc số 0913603XXX, 0904307XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động số 0961360559, hỏi: Khi tăng lương cơ sở thì chúng tôi đang nhận lương hưu, trợ cấp xã hội hàng tháng có được tăng lương, trợ cấp không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 2, điều 3 Nghị định 47/2017/NĐ-CP quy định từ 1.7.2017, mức lương cơ sở là 1,3 triệu đồng/tháng. Điều 2 Nghị định này quy định đối tượng được hưởng lương, phụ cấp bao gồm: Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1, và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3, điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010; Người làm việc theo chế độ HĐLĐ xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang bao gồm: Người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; Người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Như vậy, Nghị định này không đề cập đến đối tượng hưởng là người đang hưởng lương hưu hay nhận trợ cấp xã hội hàng tháng.

Đóng BHYT 5 năm liên tục được miễn phí khám bệnh?

Bạn đọc số 0932510XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động số 0961360559, hỏi: Đóng BHYT 5 năm liền được hưởng quyền lợi thế nào? Có được hưởng BHYT 100% không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Theo trả lời của lãnh đạo BHXH Việt Nam, thì từ ngày 1.1.2015, người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến, sẽ được hưởng 100% chi phí KCB BHYT. Theo quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi KCB và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến.

Vì vậy, người tham gia BHYT phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau đây thì được cơ quan BHXH cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” để đi KCB cho các lần KCB tiếp theo trong năm và không phải cùng chi trả 5% hoặc 20% nữa. Thứ nhất: Có thời gian tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi KCB; Thứ hai: Có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến. Như vậy, không phải trường hợp nào đóng BHYT liên tục 5 năm trở lên cũng được hưởng 100% chi phí KCB BHYT.

Có thể thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện

Bạn đọc có 0936530XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động số 0961360559, hỏi: Tôi có tham gia BHXH tự nguyện, trước đây chọn đóng 3 tháng một lần. Nay do hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục đóng 3 tháng/lần mà muốn đóng dài ra có được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Theo quy định tại khoản 3, điều 9, Mục 2 về BHXH tự nguyện của Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT (Ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam), có hiệu lực từ 1.5.2017, thì người đang tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện. Việc thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Phương thức đóng BHXH tự nguyện gồm: Đóng hằng tháng; Đóng 3 tháng một lần; Đóng 6 tháng một lần; Đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này mà đủ điều kiện đóng một lần cho những năm còn thiếu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 10 năm) thì được lựa chọn đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi đủ điều kiện mà không phải chờ thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Được chấm dứt HĐLĐ khi đang nuôi con nhỏ

Bạn đọc số 01668283XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động số 0961360559, hỏi: Tôi đang nghỉ thai sản thì hết hạn HĐLĐ, Cty chấm dứt HĐLĐ được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Pháp luật lao động hiện hành chỉ quy định NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc sa thải NLĐ trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà không quy định NSDLĐ không được quyền chấm dứt HĐLĐ với NLĐ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi khi hết hạn HĐLĐ. Do đó, Cty có quyền chấm dứt HĐLĐ với bạn khi hết hạn HĐLĐ, dù trong thời gian đó bạn đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn