MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ phạm vẽ bậy tàu metro số 1 có thể bị truy cứu hình sự?

HẠ MÂY LDO | 01/05/2023 15:00
TP Hồ Chí Minh - Sự việc tàu metro số 1 bị vẽ bậy lần 2 và hàng loạt công trình công cộng tại thành phố cũng chằng chịt nét vẽ cho thấy cần được xử lý nghiêm và mạnh tay hơn nữa theo luật định.

Mới đây, một toa tàu metro số 1 (thuộc tuyến Bến Thành - Suối Tiên) ở depot Long Bình bị vẽ bậy, chằng chịt các hình sơn dạng graffiti (vẽ tranh đường phố). Hình ảnh này đã gây bức xúc cho nhiều người dân vì làm xấu đi hình ảnh của đoàn tàu metro của thành phố. 

Trước đó vào tháng 6.2022, tình trạng này cũng xảy ra tại 2  đoàn tàu tuyến metro số 1 đặt tại depot Long Bình ở phần thân và đầu toa tàu. Liên quan vấn đề này, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư) cho biết, diện tích bị vẽ bậy không quá lớn. Khu vực depot hiện có bảo vệ túc trực mỗi ngày, nhiều camera an ninh. Việc quản lý, bảo vệ tài sản do nhà thầu phụ trách. Chủ đầu tư đang phối hợp với các bên liên quan xác minh cụ thể vụ việc. 

 Tàu metro số 1 bị vẽ bậy tại depot Long Bình vào tháng 6.2022. Ảnh: Minh Quân

Không chỉ riêng đoàn tàu metro số 1, khảo sát cũng cho thấy, dọc các tuyến đường, công trình ở TP Hồ Chí Minh, những hình sơn vẽ nguệch ngoạc, nhiều hình thù giống như phong cách graffiti cũng xuất hiện. Thậm chí, đã có nhiều sự việc bị lên án mạnh mẽ, điển hình như cầu Ba Son (Thủ Thiêm 2) bị bôi bẩn sau một vài ngày khánh thành.

Đây chỉ là một trong số hàng loạt công trình bị vẽ bậy, mặc dù đã xảy ra nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để. Có thể thấy, việc quản lý và xử phạt vẫn còn nhẹ với những đối tượng này.

Theo luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh,  việc phun sơn, viết, vẽ bậy lên tường, cột điện, các công trình đã và đang là vấn nạn trên cả nước. Điều này nói lên vấn đề ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân. 

Pháp luật hiện hành quy định các đối tượng có hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm l Khoản 2 Điều 7 Nghị Định số 144/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, nếu có hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản người khác thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù giam; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; đồng thời có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tùy theo từng vụ việc, nếu thấy không cần thiết có thể khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường về mặt dân sự, không nhất thiết xử lý hình sự vì ý chí chủ quan là không muốn hủy hoại tài sản. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn