MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trộm cắp cây cảnh ngày Tết bị xử lý như thế nào?

Nam Dương LDO | 25/01/2022 14:00
Bạn đọc có email diemmyxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Nhà tôi mua cây đào trị giá 1,5 triệu đồng để chơi Tết, nhưng bị lấy trộm. Xin hỏi, hành vi này có bị xử phạt thế nào?

Luật gia Nguyễn Thị Thu Phương, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:   

Điểm a, Khoản 1, Điều 15 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi là Nghị định 144/2021/NĐ-CP) quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

Khoản 2, Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Khoản 1, 5, Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội trộm cắp tài sản như sau:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, người ăn trộm cây đào trị giá 1,5 triệu đồng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định nêu trên. Hành vi trộm cắp tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì có thể bị xử lý hình sự.

Tư vấn pháp luật

Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 - gọi đường dây nóng: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn để được luật sư tư vấn trực tiếp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn