MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị can Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị bắt. Ảnh: Công an cung cấp.

Vì sao tiến sĩ luật trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng không bị truy tố?

Nam Dương LDO | 31/01/2023 11:58

TPHCM - Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, ngụ TPHCM, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, Bình Dương) và chuyển hồ sơ sang Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm.

Theo đó, các bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam) bị đề nghị truy tố về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Liên quan vụ án, tại buổi phát sóng trực tiếp có nội dung xúc phạm các cá nhân của bị can Nguyễn Phương Hằng có sự tham gia với tư cách khách mời của tiến sĩ luật Đặng Anh Quân và luật sư Nguyễn Đình Kim.

Cơ quan điều tra xác định chưa có đủ cơ sở khẳng định 2 người này có những nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của các cá nhân; nội dung thuộc bí mật cá nhân, bí mật của gia đình và đời sống riêng tư theo quy định của Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Đã có những ý kiến bày tỏ băn khoăn 2 người này có phải là đồng phạm với các bị can trên hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam – cho biết, theo Khoản 1, Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Trong đó, đồng phạm có nhiều hình thức như:  Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm;  Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng đây là vụ án được dư luận quan tâm, theo dõi, các cơ quan tố tụng rất thận trọng trong xử lý vụ việc, hồ sơ vụ án đã được trả lại nhiều lần để điều tra kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, không bỏ sót tội phạm cũng như không gây oan sai.

“Theo thông tin báo chí thì cơ quan điều tra đã giám định các nội dung phát ngôn của ông Quân và ông Kim, và qua đó xác định chưa đủ cơ sở khẳng định có những hành vi vi phạm các quy định pháp luật. Trong quá trình xử lý vụ việc, nếu thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, thì Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án vẫn có quyền đề nghị xử lý đúng người, đúng tội, không gây oan sai nhưng cũng không để lọt tội phạm. Ngoài ra, người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. Vì vậy, người dân cần tôn trọng, tin tưởng vào làm việc nghiêm túc của các cơ quan chức năng, tránh có những bình luận, phát ngôn không chính xác có thể vi phạm pháp luật”, Luật sư Hậu khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn