MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, sổ đỏ cấp cho hộ gia đình sẽ phải ghi tên đầy đủ các thành viên.

Vụ sổ đỏ ghi đầy đủ tên các thành viên gia đình: Trái tinh thần cải cách thủ tục hành chính

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM LDO | 23/11/2017 12:01
Tôi cho rằng quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - gọi tắt sổ đỏ) cấp cho hộ gia đình cần phải ghi đầy đủ tên các thành viên của gia đình sẽ có những ưu điểm là bảo đảm được việc ai có QSDĐ hay quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sẽ được ghi nhận một cách công khai, minh bạch. 

Như thế sẽ tránh được rủi ro trong những trường hợp xảy ra tranh chấp nếu một người trong hộ gia đình mua bán, cầm cố, thế chấp mà những người còn lại không biết rằng quyền của mình bị xâm phạm.

Tuy nhiên, việc buộc phải ghi tên đầy đủ các thành viên sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính phức tạp mà có thể Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa hình dung hết khi ban hành quy định  này.

Ví dụ, đối với những gia đình có rất nhiều thành viên thì có khi không đủ chỗ để ghi vào. Thứ hai, có những gia đình mà thành viên sống tản mát, thậm chí ở nước ngoài thì họ lại phải làm những thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ tùy thân để làm thủ tục ghi tên trong sổ đỏ, như vậy sẽ làm chậm trễ quá trình cấp sổ đỏ.

Thứ ba, trước đây pháp luật quy định chỉ cần người đại diện cho hộ gia đình đứng tên trong sổ đỏ, như vậy người dân phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc khai báo của mình khi làm hồ sơ cấp sổ đỏ cho hộ gia đình trong những trường hợp xảy ra tranh chấp.

Nhưng bây giờ nếu Bộ Tài nguyên – Môi trường quy định buộc phải khai hết người có chung quyền sử dụng hay chung quyền sở hữu, mà người dân ghi không đầy đủ các thành viên, trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì cơ quan cấp sổ đỏ sẽ trở thành người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, như thế là tự “mua dây trói chân mình”.

Ngoài ra, việc ghi tên các thành viên trong sổ đỏ nhưng không ghi rõ quyền sử dụng hay quyền sở hữu của từng thành viên trong đó là bao nhiêu % cũng sẽ gây ra nhiều phức tạp khi thực hiện các thụ tục mua bán, cầm cố, thế chấp… vì phải xác định phần quyền sử dụng, quyền sở hữu của từng thành viên đó.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, quy định sổ đỏ cấp cho hộ gia đình cần phải ghi đầy đủ tên các thành viên của gia đình như Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ gặp rất nhiều phức tạp khi thực hiện, như thế lại trái với tinh thần cải cách làm đơn giản thủ tục hành chính của Đảng, Chính phủ đang định hướng và triển khai thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn