MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022. Ảnh: Tùng Dương

20 phương thức xét tuyển, thí sinh nông thôn ít cơ hội vào đại học?

Thanh Tùng LDO | 08/05/2022 16:21

Trong mùa tuyển sinh năm 2022, có khoảng 20 phương thức được các trường đưa ra để xét tuyển. Sự đa dạng trong các phương thức tuyển sinh khiến nhiều thí sinh vùng nông thôn lo lắng vì thiệt thòi hơn so với các thí sinh thành phố.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022 diễn ra ngày 8.5 thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn học sinh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. 

Ngày hội với quy mô lớn với gần 200 gian tư vấn, tuyển sinh từ nhiều trường đại học, cao đẳng trên thành phố Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Thanh Tùng
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT). Ảnh: Tường Vân

Tại buổi tư vấn, nhiều phụ huynh và thí sinh bày tỏ lo lắng khi năm nay có tới 20 phương thức tuyển sinh. Xu hướng chung của nhiều trường là giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT so với mọi năm.

Điều này khiến những em ở vùng khó khăn lo lắng không thể cạnh tranh với thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi và thua thiệt về cơ hội trúng tuyển đại học, bởi so với các bạn ở thành phố, các em ít có cơ hội học sớm các chứng chỉ như IELTS, TOEFL hay SAT,...

Em Phạm Thị Thảo và Phạm Việt Bắc - học sinh Trường THPT Chúc Động, Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ: “Mong muốn của chúng em khi đến đây là tìm được ngôi trường đại học phù hợp với bản thân, ngành học, các phương án xét tuyển phù hợp và đạt được ước mơ của mình”.

Trước lo lắng này của thí sinh, phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) khẳng định: "Số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có giảm đi nhưng chỉ là sự dịch chuyển giữa hai phương thức chính là xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Hầu hết trường vẫn sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT bên cạnh nhiều phương thức khác, trong đó có các trường lớn".

Theo thống kê của Bộ GDĐT trong những năm gần đây cho thấy 90% chỉ tiêu vào đại học vẫn xét bằng hai phương thức quen thuộc này, chỉ 10% xét bằng các phương thức khác như sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hay kết hợp chứng chỉ quốc tế.

Vụ trưởng Giáo dục đại học khẳng định, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ vẫn là chủ yếu, sẽ không ảnh hưởng lớn đến thí sinh ở các vùng khó khăn.

Các trường đại học sẽ dần chuyển xu thế sang đánh giá năng lực với những phương thức tuyển sinh khác phù hợp với yêu cầu của từng trường và lĩnh vực đào tạo. Tuy nhiên hiện tại, các phương thức tuyển sinh đại học vẫn khá ổn định và rất thuận lợi cho thí sinh.

"Không trúng tuyển trường này, các em vẫn có cơ hội ở rất nhiều trường khác. Tất nhiên, khi mong muốn đỗ những trường top đầu thì mức độ cạnh tranh lúc nào cũng cao, dù bằng phương thức nào" - bà Thuỷ nói thêm.

Cũng tại buổi tư vấn, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, mùa tuyển sinh năm nay, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ vẫn là phương thức xét tuyển cơ bản và chủ yếu nhất ở hầu hết các trường. Do đó, tâm lý thu gọn chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là không chính xác. 

PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

"Thí sinh vùng nông thôn được cộng điểm khu vực do điều kiện học tập khó khăn hơn so với học sinh những vùng đô thị. Đây có thể coi là một điểm ưu tiên hơn dành cho các em. Tất nhiên, nếu các em muốn đăng ký vào những ngành hot, trường hot thì phải chấp nhận có sự cạnh tranh lớn hơn”- ông Điền chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn