MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bao giờ chấm dứt cảnh tuyển sinh phải bốc thăm may rủi?

Phan Liên LDO | 30/08/2022 13:44

Cuối tuần qua, khoảng 700 phụ huynh phải tham gia màn bốc thăm kịch tính để giành suất cho con vào Trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Câu hỏi khiến nhiều người quan tâm lúc này là khi nào sẽ chấm dứt cảnh tuyển sinh may rủi, để những đứa trẻ được hưởng quyền được học tập chính đáng. 

Buổi bốc thăm được tổ chức tại UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội với quy trình hai vòng. Vòng một là bốc thăm số thứ tự. Vòng hai, phụ huynh sẽ dùng số thứ tự này để lần lượt bốc thăm phiếu tuyển sinh. Lá phiếu trúng tuyển sẽ in chữ: "Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường".

Ngược lại, khi bốc phải lá phiếu ghi chữ: "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường", phụ huynh sẽ phải tìm trường ngoài công lập cho con. Các phiếu hợp lệ là phiếu có đầy đủ xác nhận của Trường mầm non Hoàng Liệt. 

Dù không muốn cuộc tuyển sinh đầu đời của con lại phải phụ thuộc vào bàn tay may rủi của bố mẹ, nhưng người lớn cũng đành bất lực. Vì theo họ, bốc thăm là giải pháp duy nhất để đảm bảo công bằng khi trường ít, lớp ít, số học sinh lại quá đông. 

Phụ huynh nào cũng mong mình may mắn bốc được lá phiếu “trúng tuyển” để con được đến trường.

"Tình trạng trường lớp không đáp ứng nhu cầu của người dân ở khu vực Hoàng Mai đã xảy ra nhiều năm nay. Không biết đến bao giờ chấm dứt cảnh tuyển sinh may rủi?" - chị Đỗ Thị Thu Hằng trú tại Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) than thở. 

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam - cho rằng, việc Trường mầm non Hoàng Liệt tổ chức cho phụ huynh bốc thăm cho con đến trường là điều không ai mong muốn. Thay vì quy trách nhiệm cho một cá nhân, tổ chức nào đó, chúng ta nên tìm cách khắc phục, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Ông Lâm nhận định, lý do xảy ra sự việc khiến dư luận quan tâm là do sự chênh lệch giữa dân số và nhu cầu dịch vụ, trường học tại địa phương này. Trong đó, phải kể đến nguyên nhân khu vực Hoàng Mai tập trung nhiều người dân lao động đến sinh sống, làm ăn. Nhiều gia đình không có sổ hộ khẩu nên chính quyền địa phương không thể kiểm soát. Khi số học sinh quá đông, trường học lại không đáp ứng nhu cầu, buộc nhà trường phải đưa ra giải pháp không ai mong muốn.

"Tất cả chúng ta đều không mong muốn sự việc đáng tiếc trên. Cần tìm cách để chia sẻ với những bà mẹ trẻ, những gia đình khó khăn không đủ điều kiện cho con theo học tại các trường tư. Phương án tạm thời là có thể xem các địa phương gần đó có thể mở trường lớp để giúp những người khó khăn trong giai đoạn này được không" - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam.

Trước thềm năm học mới, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, các cơ quan chính quyền, Nhà nước phải vào cuộc để tìm ra những giải pháp khắc phục tình trạng đáng buồn trên. Không nên kéo dài tình trạng này trong các năm học tiếp theo.

"Cần có nhiều phương án đưa ra để có thể khắc phục tình trạng trường lớp quá ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.  Có thể hướng tới kêu gọi sự tài trợ của các nhà đầu tư, cho phép sử dụng những chung cư chưa hoạt động thành trường học. Phải đảm bảo các chung cư, khu công nghiệp xây dựng lên có đủ trường học để đáp ứng nhu cầu người dân.

Bốc thăm “may rủi” để con có chỗ học không phải là phương án tốt nhất. Các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần chung tay, xây dựng phương án lâu dài giúp dân giải quyết vấn đề chỗ học cho con" - ông Lâm đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn