MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bứt phá điểm thi tốt nghiệp THPT với chiến lược ôn tập môn Địa lí hiệu quả. Ảnh: Hải Nguyễn

Bí quyết "giật" điểm cao môn Địa lí kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trang Thiều LDO | 24/05/2022 16:24

Dưới đây là một số bí quyết để "giật" điểm cao môn Địa lí trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) học sinh có thể tham khảo và áp dụng.

Bí quyết "vàng" tránh điểm liệt 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, có gần 560.000 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH), gần gấp đôi so với thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. 

Nhiều học sinh lựa chọn bài thi KHXH cho biết, các em chọn thi tổ hợp KHXH là vì những môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân "dễ thở" hơn so với tổ hợp các môn tự nhiên.

Tuy nhiên, một số em cũng băn khoăn về việc làm thế nào để ôn tập tốt môn Địa lí khi đề thi có xu hướng ra nhiều câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải có năng lực giải quyết vấn đề, tránh tình trạng học thuộc, học tủ, học mẹo.

Dành lời khuyên cho thí sinh, cô Trần Hồng Hà - giáo viên bộ môn Địa lí, Trường THPT Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, trước hết học sinh cần sử dụng thành thạo atlat địa lí Việt Nam. Lý do là số lượng câu hỏi có trong atlat nhiều và rất dễ lấy điểm, đặc biệt giúp các em tránh điểm liệt.

"Để sử dụng atlat hiệu quả các em học sinh cần kết hợp kỹ năng quan sát, nhận xét, phân tích những nội dung sẵn có trong atlat" - cô Hà Lưu ý.

Giáo viên Trường THPT Cẩm Phả cũng chia sẻ thêm, chương trình Địa lí lớp 12 gồm 4 chủ đề (tự nhiên, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế).

Theo đó, thí sinh nên lập các biểu bảng tổng kết ngắn gọn hoặc vẽ sơ đồ tư duy để dễ ôn tập, nắm vững nội dung cốt lõi và vấn đề quan trọng của mỗi chủ đề.

Đặc biệt, thiết lập “từ khoá” cho những nội dung khó để dễ nhớ, dễ học.

Ngoài ra, cô Hà cũng lưu ý học sinh nắm vững kiến thức về đặc điểm của từng loại biểu đồ. Ví dụ như: thể hiện cơ cấu (biểu đồ tròn, miền), tốc độ tăng trưởng (biểu đồ đường), thể hiện quy mô và cơ cấu (biểu đồ tròn bán kính khác nhau).

Bí quyết đạt điểm 9, điểm 10

Phân tích đề tham khảo môn Địa lí năm 2022, thầy Lê Duy Đồng - giáo viên Địa lí Trường THPT Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết, đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lý thuyết thuộc nội dung kiến thức 11.

Tuy nhiên, có 2 câu thực hành kỹ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11.

Theo đó, có khoảng 25% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng - vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề Địa lí tự nhiên, Địa lí các vùng kinh tế và Thực hành kỹ năng địa lí.

Ngoài ra, có một số câu hỏi khó do đi sâu khai thác một vấn đề nhỏ, các phương án có độ nhiễu cao dễ gây nhầm lẫn.

Vì vậy, để đạt điểm 9, 10 môn Địa lí trong tổ hợp KHXH, trước hết, học sinh cần nắm chắc kỹ năng sử dụng atlat vì đó là "chiếc phao cứu sinh" duy nhất được mang vào phòng thi.

Đặc biệt, số lượng câu hỏi liên quan lên đến 15 câu. Tiếp theo, học sinh nên học lý thuyết theo cấu trúc.

"Câu hỏi về các đối tượng địa lí, chúng ta thường gặp một số nội dung như vai trò, nhân tố ảnh hưởng, đặc điểm phát triển và phân bố, ảnh hưởng... Các em nên học lý thuyết theo cấu trúc.

Ví dụ cấu trúc về vai trò, một lĩnh vực kinh tế xã hội có nhiều vai trò: Vai trò về kinh tế, vai trò về mặt xã hội, vai trò về mặt môi trường, vai trò về mặt an ninh quốc phòng..." - thầy Đồng gợi ý.

Giáo viên môn Địa lí cũng cho biết, đề thi có một số dạng câu hỏi lý thuyết thường gặp như: tìm ý nghĩa chủ yếu, tìm thuận lợi khó khăn, tìm nguyên nhân, tìm vế còn thiếu trong câu dẫn, tìm giải pháp. Về bài tập kỹ năng có: bài tập atlat, nhận xét biểu đồ và bảng số liệu, tìm dạng biểu đồ thích hợp, tìm nội dung thể hiện của biểu đồ.

"Trong quá trình ôn tập, học sinh lưu ý những vấn đề trên, nắm chắc lý thuyết và rèn luyện các bài tập kỹ năng để chinh phục được các câu hỏi điểm 9, điểm 10" - thầy Đồng đưa ra lời khuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn