MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 sẽ diễn ra trong 2 ngày 7 và 8.7.

Bí quyết ôn thi môn Địa lý đạt điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Phan Liên LDO | 27/06/2022 11:27

Với hơn 20 năm kinh nghiệm dạy học và ôn thi, cô Nguyễn Thị Hưng - giáo viên môn Địa lý Trường THPT Kiến An (Hải Phòng) chia sẻ những bí kíp giúp các em học sinh ôn luyện hiệu quả, đạt điểm cao môn Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sắp tới.

Không nên học thuộc quá nhiều

Nhiều học sinh thường tỏ ra sợ hãi môn Địa lý vì cho rằng, môn học này cần học thuộc nhiều dữ liệu, con số. Tuy nhiên, với kinh nghiệm ôn thi lâu năm, cô Hưng lại cho rằng, để có thể đạt điểm cao ở môn học này không quá khó nhưng yêu cầu các em phải ôn tập và rèn luyện. Hay vì dành nhiều thời gian học thuộc lòng, cô Hưng khuyên các học sinh hãy sử dụng sơ đồ tư duy để giúp ghi nhớ tốt hơn.

Ngoài ra, việc học theo hình thức “cuốn chiếu”, học ngày nào ôn tập, làm đề luôn ngày đó cũng là cách hiệu quả mà các em nên áp dụng trong giai đoạn ôn thi nước rút này.

Cô Hưng cũng lưu ý, với một số câu về biện pháp hay liên quan đến vùng, miền có những đáp án gần giống nhau, buộc các em học sinh phải nhớ chính xác nội dung trong sách giáo khoa để chọn đáp án chuẩn nhất.

“Việc nhìn vào từ khóa trong đề giúp các em có thể chọn đáp án nhanh và đúng. Ví dụ như câu hỏi chọn biểu đồ, từ khóa “tốc độ tăng trưởng” các em có thể chọn ngay biểu đồ đường, hay “quy mô cơ cấu” học sinh sẽ nhận ra là biểu đồ tròn” – cô Hưng chia sẻ.

Không chủ quan với câu hỏi dễ

Về cấu trúc đề thi, cô Hưng nhận định, các câu hỏi cho phép học sinh sử dụng Atlat là những câu dễ ăn điểm nhưng cũng rất dễ mất điểm. Chẳng hạn, ở một số trang có ký hiệu nhỏ, các em học sinh khó tìm ra, hoặc không đọc kỹ đề làm vội vàng dẫn đến việc mất điểm oan ở phần này. Do đó, học sinh cần đặc biệt lưu các kỹ năng làm bài sử dụng Atlat.

"Tất cả các câu hỏi đều có số điểm bằng nhau nên các em không được chủ quan ở những câu dễ. Mất điểm tại những câu dễ sẽ khiến các em mất đi cơ hội có được điểm cao. Bên cạnh đó, các em phải rèn luyện các công thức để khi áp dụng làm những câu tính toán chuẩn xác, nhanh nhất.

Ngoài ra, trong quá trình làm bài cần làm những câu dễ trước, câu khó sau, phân bổ thời gian hợp lý và phải có thời gian để xem lại bài làm của mình" - cô Hưng đặc biệt lưu ý tới các học sinh.

Ôn tập bám sát đề minh họa

Với nhiều năm kinh nghiệm ôn thi, cô Hưng nhận thấy việc nắm được ma trận đề thi tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình ôn thi. Học sinh có thể tham khảo đề của các Sở, các tỉnh thành trên cả nước để luyện thêm.

"Hiện nay, có rất nhiều nguồn tài liệu cho các thí sinh lựa chọn phục vụ mục đích ôn thi. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn đề tham khảo phải có chọn lọc, đề phải bám sát vào cấu trúc đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quá trình ôn luyện, làm đề sẽ giúp các em nhận ra lỗi sai và thiếu sót của mình để sửa sai và lấp những phần kiến thức còn thiếu hụt" - cô Hưng chia sẻ. 

Theo cô Hưng, một nguyên tắc quan trọng trong quá trình làm bài là không được sai các câu dễ, những câu gần như là cho điểm. Học sinh cần ôn luyện nhiều những câu vận dụng cao, mang tính suy luận nếu muốn đạt điểm tối đa ở môn thi này. 

Với các em xét tuyển theo khối D10, D15, D19, D20,...việc ôn luyện để đạt điểm cao môn Địa lý sẽ mang cho các em rất nhiều lợi thế, kéo lên tổng điểm xét tuyển của các em.

“Học sinh cần biết phân hóa đề thi, có mục tiêu rõ ràng để ôn luyện hoàn thành mục tiêu đặt ra. Khi đi thi cần đọc kỹ đề bài và hãy thật bình tĩnh, tự tin, vận dụng những kiến thức đã học, ôn luyện để hoàn thành bài thi thật tốt” – cô Hưng nhắn nhủ tới các học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn