MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí quyết "giật" điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Hải Nguyễn

“Bỏ túi” bí quyết đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT

Phùng Nhung LDO | 25/05/2022 13:30

Để đạt điểm cao bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2022, học sinh cần nắm rõ cấu trúc đề, xây dựng phương pháp ôn tập khoa học và rèn luyện cách viết trong quá trình ôn luyện.

Xây dựng phương pháp ôn tập khoa học, hiệu quả

Ngữ văn là môn học có khối lượng kiến thức lớn, đòi hỏi học sinh phải chăm chỉ học tập, rèn luyện mới có thể đạt được điểm số tương đối. Đặc biệt, để đạt điểm cao thí sinh phải nắm vững kiến thức và có cách làm bài sáng tạo, độc đáo.

Dành lời khuyên cho thí sinh về việc ôn tập môn Ngữ văn, cô Hằng Nga - giáo viên Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc) cho biết, trước tiên học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản bằng cách xác lập từ khoá trong mỗi đơn vị bài học.

"Ở các tiết học trên lớp, học sinh cần tập trung nghe giảng và ghi nhớ nội dung chính của bài học. Điều này hỗ trợ rất tốt cho các em trong quá trình tự học ở nhà. Ngoài ra, để dễ hiểu và dễ nhớ, học sinh nên hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy.

Khi đã học chắc kiến thức cơ bản, sau mỗi bài học các em nên luyện đề bằng cách tìm những dạng đề liên quan đến bài học rồi viết nhiều để cách hành văn được trơn tru, mạch lạc bay bổng hơn" - cô Nga chia sẻ.

Cô Lê Thị Thoa - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) cũng lưu ý, ngoài việc học kiến thức cơ bản, học sinh nên đọc thêm nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, văn mẫu. Từ đó, xây dựng tư liệu học tập cho mình, đồng thời rèn luyện khả năng sáng tạo và tư duy sâu sắc. Đây cũng là cách hữu hiệu để nâng cao khả năng cảm thụ văn học, giúp các em đạt được thành tích cao.

Hướng dẫn chi tiết từng nội dung

Chia sẻ với thí sinh về cách ôn luyện và làm bài thi môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết, đề thi ra theo cấu trúc gồm 2 phần: phần Đọc hiểu văn bản với 4 câu hỏi theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao (3 điểm) và phần Nghị luận (7 điểm) gồm 2 câu: câu 1 nghị luận xã hội (2 điểm), câu 2 nghị luận văn học (5 điểm). 

Cô Nga hướng dẫn học sinh cách ôn tập, cụ thể như sau: Đối với phần Đọc hiểu, học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản: từ loại, thể thơ, các biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, phương thức trần thuật, thao tác lập luận, hình thức lập luận... Theo đó, nên đọc câu hỏi trước sau đó đọc văn bản, gạch chân những từ khóa. Trả lời ngắn gọn, tránh dài dòng.

Đối với phần nghị luận xã hội, phần này thường yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ. Học sinh nắm vững cấu trúc cơ bản của một đoạn văn nghị luận xã hội, cách làm bài, cách triển khai ý, cách viết câu. 

Đối với phần nghị luận văn học, học sinh cần nắm chắc kiến thức chung trong chương trình Ngữ văn, đặc biệt là những tác phẩm trong sách giáo khoa lớp 12. Khi làm bài cần vận dụng các thao tác phân tích, chứng minh, bình luận nâng cao vấn đề. 

Cô Phạm Thị Thu Hà - giáo viên Ngữ văn Trường THPT An Lão (Hải Phòng) cũng dành lời khuyên cho thí sinh khi làm những dạng bài nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Theo đó, học sinh nên lập dàn bài để tránh thiếu ý, lặp ý.

"Việc lập dàn ý sẽ không mất quá nhiều thời gian, giúp các em sắp xếp các luận điểm, luận cứ mạch lạc. Ngoài việc tổ chức luận điểm sáng, rõ mạch lạc, cần có kết cấu sáng tạo từ mở bài tới thân bài và kết bài.

Đặc biệt, giám khảo chấm thi sẽ bị thu hút bởi những mở bài sáng tạo, vì vậy, việc tạo ấn tượng ngay từ những dòng viết đầu tiên rất quan trọng. Các em cần tự chuẩn bị cho mình những mở bài hay thể hiện tư duy độc lập và những phát hiện độc đáo" - cô Hà đưa ra lời khuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn