MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện tại, nhiều thí sinh vẫn chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Ảnh: LĐO

Chần chừ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học vì định hướng "mông lung"

Thiều Trang - Phùng Nhung LDO | 17/08/2022 11:28

Mới đây, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) đã có công văn gửi các trường đại học, Sở GDĐT đề nghị các đơn vị này tăng cường truyền thông, nhắc nhở thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung. Tuy nhiên, nhiều thí sinh do không xác định được năng lực và sở thích nên vẫn chần chừ.

"Nước đến chân vẫn... chưa nhảy"

Thí sinh Vũ Thu Hà (Vĩnh Phúc) tâm sự - mọi thứ hiện tại với em đều rất mơ hồ. Gia đình định hướng Hà trở thành giáo viên mầm non, nhưng đây không phải nguyện vọng của nữ sinh. 

"Mỗi giai đoạn, em lại có một suy nghĩ và dự định khác nhau. Năm lớp 10 em dự định học báo chí, đến lớp 11 em lại thích nghề hướng dẫn viên du lịch, cuối cùng đến năm lớp 12 em không biết chọn trường gì, ngành gì. Khi bắt đầu cân đo đong đếm về điểm, điều kiện gia đình và sở thích cá nhân em nghiêng về ngành Luật.

Tuy nhiên, bố mẹ em luôn sợ con gái ra trường thất nghiệp nên muốn em chọn một ngành an toàn rồi an phận học. Cái sai của em là không kiên định với quyết định của mình ngay từ đầu mà thay đổi kế hoạch liên tục. Hiện tại em rất mệt mỏi, em luôn né tránh những câu hỏi từ bạn bè về đăng kí ngành nào, trường nào” - Thu Hà bộc bạch.

Rơi vào tình cảnh tương tự, thí sinh Nguyễn Đức Hải (Quảng Ninh) cho biết hiện tại bản thân vẫn băn khoăn chưa biết chọn ngành, chọn trường như thế nào. Bên cạnh đó, do không có sự ủng hộ của gia đình nên em chưa vững tin vào quyết định sắp tới của mình.

"Em tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm thế thoải mái, thi để đạt kết quả tốt nhất mà không có bất cứ một định hướng gì. Đó là sai lầm của em khi không vạch ra những kế hoạch cụ thể cho thời gian sắp tới.

Thời gian gần đây, em mới bắt đầu tìm hiểu về các ngành học, đối chiếu, xem xét điểm của mình có đủ khả năng vào trường đại học không. Em dự định chọn ngành công nghệ ôtô của một trường top giữa. Gia đình rất ủng hộ ngành em chọn nhưng không ủng hộ ngôi trường em dự định theo học" - Hải bộc bạch.

Nam sinh cho biết - mọi thứ hiện tại đều rất chông chênh vì tâm lí của em không vững vàng. Vì vậy, em chưa thể đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất. "Phần đăng kí nguyện vọng xét tuyển còn để trống, các quyết định còn mung lung, em vẫn chưa biết vượt qua giai đoạn này như thế nào" - Hải thở dài. 

Phải có kế hoạch và kiên định thực hiện

Thấu hiểu những tâm sự về chọn ngành, chọn nghề của thí sinh, thầy Trần Văn Năng - giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, có quá nhiều nguyên nhân khiến học sinh không định hướng được nghề nghiệp, sở thích của bản thân. Nhiều em bị tác động từ "tứ phía" như gia đình, bạn bè, xã hội, điều này khiến các em phân vân, rối loạn với sự lựa chọn của mình.

Dành lời khuyên cho học sinh trong giai đoạn này, thầy Năng cho biết - trước tiên các em nên bình tĩnh để suy ngẫm mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai và đặt ra cho mình một lộ trình cụ thể.

"Đừng vội vàng, nôn nóng mà điền bừa vào đơn đăng kí nguyện vọng xét tuyển. Các em cần bình tĩnh để suy nghĩ và có trách nhiệm với bản thân. Chọn ngành nghề phải phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện gia đình, đừng nên lựa chọn những gì quá sức hoặc hấp tấp chọn nhanh cho bằng bạn bằng bè.

Thời gian không còn nhiều, cần quả quyết và dứt khoát hơn bởi đây là khởi đầu cho một chặng đường dài ” - thầy Năng nói.

Giáo viên này cũng cho rằng, nếu quá khó để lựa chọn thì hãy tham khảo ý kiến của người đi trước hoặc những người thân xung quanh. Tuy nhiên, các em học sinh phải có sự kiên định với quyết định của mình. Việc nhận ý kiến của người khác chỉ mang tính chất tham khảo chứ không mang tính chất quyết định.

Theo Vụ Giáo dục Đại học, có một số thí sinh trúng tuyển có điều kiện (các cơ sở giáo dục xét tuyển sớm) nhưng đăng ký sai hoặc đăng ký không đúng.

Do đó, Vụ Giáo dục Đại học khuyến cáo thí sinh kiểm tra từ hệ thống để biết đã đăng ký đúng nguyện vọng trúng tuyển sớm hay chưa, kèm theo số thứ tự nguyện vọng đã đăng ký.

Cụ thể, thí sinh có thể vào mục: "Tra cứu => Danh sách nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển" để xem thông tin chi tiết, nếu đăng ký đúng cột thì "Thứ tự nguyện vọng" sẽ hiện ra nguyện vọng đã đăng ký.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn