MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chưa biết điểm thi lớp 10, phụ huynh vội vã tìm "đường lùi" cho con

Phan Liên - Tường Vân LDO | 26/06/2022 17:17

Hà Nội chưa công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2022, nhiều gia đình đã chuẩn bị "đường lùi" cho con.

Phụ huynh tìm trường, giữ chỗ cho con

Những ngày qua, anh Võ Xuân Minh (quận Hai Bà Trưng) đã rốt ráo tìm trường cho con trai vừa hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. 

Kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, anh Minh đã cùng con trai đã xem đáp áp và tự chấm điểm. Khi so sánh điểm tự chấm với điểm chuẩn các năm trước, anh nhận thấy kết quả của con khó lòng đậu vào các trường công lập đã đăng ký. 

"Gia đình tôi đã tìm hiểu được vài trường, bao gồm cả các trường ngoài công lập, trường cao đẳng và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Hướng đi giáo dục thường xuyên có lẽ sẽ được ưu tiên hơn vì khối trường ngoài công lập mức học phí tương đối đắt đỏ, khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng" - anh Minh nói và chia sẻ thêm, việc chủ động tìm kiếm hướng đi cho con sẽ giúp gia đình anh có thêm nhiều sự lựa chọn và không bị động trong mọi tình huống.

Học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2022. Ảnh: Tường Vân

Anh Nguyễn Anh Tuấn (quận Đống Đa) cũng ngược xuôi tìm trường cho con con bởi anh biết rõ học lực của con khó có thể đỗ vào trường THPT công lập theo nguyện vọng con mong muốn.

"Gia đình chúng tôi rất tôn trọng ý kiến con, cho con lựa chọn đăng kí vào trường THPT công lập theo sở thích. Tuy nhiên, khi con đã cố gắng, nhưng kết quả không đạt được như kỳ vọng thì cha mẹ phải tính toán, tìm hướng đi khác cho con. 

Tôi cũng đã tìm kiếm các trường ngoài công lập tốt nhất để con không cảm thấy tự ti với bạn bè nếu chẳng may con không trúng tuyển. Nếu không tìm trường sớm cho con, sẽ không còn cơ hội chọn cho con môi trường tốt để học tập, phát triển" - anh Tuấn nói.

Nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 nhận định, tỉ lệ chọi vào các trường THPT công lập năm nay vô cùng khốc liệt khi có trên 106.000 sĩ tử cạnh tranh, giành khoảng 69.000 suất vào lớp 10 trường công lập (không chuyên). Tức chỉ có khoảng 60% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, còn lại sẽ học trường ngoài công lập, trường nghề. Bởi vậy, dù chưa biết điểm, phụ huynh nào cũng phải vội vàng tìm "đường lùi" cho con bởi tâm lí lo sợ nếu chậm chân, sẽ chẳng còn “ghế trống”.

“Từ lúc cháu mới thi xong, gia đình tôi và bản thân cháu đã xác định 90% cháu không trúng tuyển nguyện vọng 1. Cả 3 bài thi của con ở mức khá nên con vẫn có khả năng trúng tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. 

Dù vậy, sau khi bàn bạc, cân nhắc, gia đình tôi vẫn thiên về phương án cho con học tại 1 trường THPT ngoài công lập có tiếng trên địa bàn quận và ngay cạnh nhà" - chị Vũ Thị Minh Châu (quận Hà Đông) chia sẻ.

Hướng đi riêng cho con

Khác với nhiều gia đình, chị Ngô Minh Ngọc (quận Hà Đông) quyết định cho con theo học tại 1 trường cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố từ khoảng 2 tháng trước khi kỳ thi lớp 10 diễn ra bởi chị nhận thấy, sức của con không thể đậu vào lớp 10 trường công lập.

Nhờ chuẩn bị sớm, chị có thời gian dư dả để cân nhắc nhiều lựa chọn và bản thân con cũng không có quá nhiều căng thẳng, áp lực.

"Một số bạn của tôi dù chưa biết điểm thi vào lớp 10 nhưng lo xa bằng cách "đặt cọc" học phí ở một trường tư hoặc trường nghề để con có "đường lui"" - chị Ngọc nói. 

Cô Nguyễn Kiều Hồng Trang – giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) nhận định, việc hướng nghiệp cho học sinh cấp trung học là chủ trương đúng đắn nhằm phát triển hợp lí nguồn nhân lực, đáp ứng thị trường lao động và giảm tải đào tạo bậc THPT. Và để quá trình định hướng đạt hiệu quả, rất cần sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình. 

“Bản thân học sinh, nếu có định hướng nghề nghiệp đúng đắn sẽ tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí và đặc biệt tránh tạo áp lực tâm lí. Quan trọng hơn, điều này giúp học sinh theo đuổi ước mơ, phát triển theo đúng năng lực, sở trường của bản thân” – cô Trang nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn