MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Hội) nghe chia sẻ tại Diễn đàn "Điều em muốn nói". Ảnh: Linh Trần

Chuyên gia chỉ cách giảm áp lực tâm lí, thi cử cho học sinh tuổi teen

Tường Vân LDO | 17/05/2022 16:33

Sau thời gian dài học trực tuyến, không ít học sinh thừa nhận bản thân bị áp lực và rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý. Điều các em thấy áp lực nhất là có những lúc cảm giác bố mẹ không hiểu gì về mình. 

"Em mong bố mẹ hãy lắng nghe nhiều hơn..."

Trải lòng tại diễn đàn “Điều em muốn nói” tổ chức tại Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) ngày 17.5, nhiều học sinh chia sẻ rằng bản thân nhiều khi cảm giác bố mẹ chưa thực sự lắng nghe, thấu hiểu con cái. Hay đôi khi, cách bố mẹ quan tâm chưa đúng, chưa phù hợp với độ tuổi của con dẫn đến những mâu thuẫn, căng thẳng. 

Em Trần Minh Tâm - học sinh lớp 9A1, Trường THCS Giảng Võ chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Linh Trần

Em Trần Minh Tâm, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Giảng Võ thẳng thắn chia sẻ: “Có nhiều lúc bố mẹ quan tâm đến em nhưng cách quan tâm của họ khiến em cảm thấy không được thoải mái và căng thẳng, đôi lúc gây hiểu lầm.

Chẳng hạn, em kể cho bố mẹ nghe về chuyện chuyện tình cảm của mình với một bạn trai ở lớp, bố mẹ đã quan tâm thái quá, xem điện thoại, đọc tin nhắn của em với bạn đó khiến em cảm thấy không thoải mái”.

Em Lương Thu Hiền, học sinh lớp 9A6 cũng bày tỏ nguyện vọng: "Em muốn bố hãy lắng nghe và quan tâm đúng cách để chúng em thấy thoải mái, muốn chia sẻ khi gặp bất cứ chuyện gì, kể cả những chuyện riêng tư”.

Cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ cho biết, khi đón học sinh quay lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học online, giáo viên nhận thấy học sinh có nhiều khó khăn như khả năng tập trung trong học tập, thực hiện các nhiệm vụ học tập chưa tốt.

Cùng nhau vượt qua những khó khăn

Học sinh Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Hội) nghe chia sẻ tại Diễn đàn “Điều em muốn nói“. Ảnh: Linh Trần

TS Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.Hà Nội cho rằng diễn biến áp lực tâm lý sau dịch COVID-19 chỉ là nhất thời, quan trọng là tuổi học đường lúc nào cũng đều gặp áp lực, vấn đề là chúng ta nhìn nhận, phát hiện, giải quyết ra sao.

Theo ông Sơn, áp lực lớn nhất chính là từ gia đình. Cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang và đó là một mong ước rất chính đáng. Tuy nhiên, mong muốn đó vô hình trung tạo áp lực cho các con. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế của các em.

Ngoài ra, học sinh phải đối mặt với áp lực từ phía nhà trường, áp lực từ cuộc sống và áp lực từ chính bản thân. 

"Các em hiện nay được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin trong một ngày, nhiều thú vui như trò chơi công nghệ mà đôi khi những cái xấu lôi kéo dễ hơn những cái tốt và nếu không đủ bản lĩnh, các em rất khó vượt qua những cám dỗ. 

Ngày xưa vượt khó vươn lên để thành công nhưng hiện tại xã hội đời sống đã rất cao và sẽ có một bộ phận phải "vượt sướng" để thành công, mà điều đó sẽ khó hơn vượt khó rất nhiều vì sướng quá sẽ không còn động lực để phấn đấu. Thắng được chính mình sẽ càng khó hơn" - ông Sơn phân tích.

Dành lời khuyên cho các em học sinh, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hà Nội cho rằng các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết.

"Nếu áp lực từ phía phụ huynh thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày ý muốn nguyện vọng với bố mẹ để bố mẹ căn chỉnh cho phù hợp bởi không ai thương con cái vô điều kiện như bố mẹ. 

Nếu là áp lực từ phía nhà trường thì hãy chọn thầy cô mình thấy gần gũi nhất để mạnh dạn tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ của mình và các thầy cô sẽ căn chỉnh, hướng ta đến cái tốt đẹp hơn.

Với điều kiện sống hiện nay, các em đang có rất nhiều thuận lợi từ công nghệ, các em có điều kiện tốt hơn để học tập, phấn đấu. Tuổi trẻ của các em rất đẹp, lớn lên trong lúc đất nước ta đang rất phát triển, điều kiện sống rất tốt, tương lai sáng lạn. Tôi mong muốn các em hãy học tập làm việc hết mình, mở lòng đón nhận những cái tốt của xã hội" - ông Sơn nhắn nhủ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn