MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh cần đối diện và thích ứng với sự thay đổi bằng việc có kế hoạch, định hướng tương lai ngành nghề mình theo đuổi. Ảnh: LĐO

Chuyên gia chỉ rõ sai lầm khi định hướng ngành nghề sau THPT

Thiều Trang LDO | 23/05/2022 06:46

Việc chọn ngành nghề để theo học sau Trung học phổ thông (THPT) là mối lo ngại với nhiều học sinh và phụ huynh vì các bạn chưa xác định được mình thích gì, còn hoang mang và cần người định hướng.

Những sai lầm khi chọn ngành nghề

18 tuổi là thời điểm đánh dấu cột mốc đầu tiên của cuộc đời con trẻ khi rời môi trường học ở phổ thông. Đây cũng là thời điểm nhiều học sinh, phụ huynh cảm thấy lo lắng khi đưa ra lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực để mở cánh cửa tương lai.

Chia sẻ với phụ huynh và học sinh về vấn đề này,  PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn chứng một khảo sát ở 1.400 học sinh năm 2020.

Kết quả cho thấy, có 40% học sinh đã xác định hướng nghề lựa chọn nhưng vẫn mơ hồ và chưa hiểu rõ hết về nghề; 25% học sinh không thống nhất được với cha mẹ về nghề đã lựa chọn; 30% học sinh còn băn khoăn hoặc chưa chọn được 1 nghề để theo đuổi; 5% học sinh đã chọn định hướng được nghề nhưng không phù hợp với bản thân.

Từ thực tế, PGS Trần Thành Nam chỉ ra cha mẹ có 8 sai lầm khi định hướng nghề nghiệp cho con như: Thiếu tôn trọng mong muốn của con; Áp đặt với suy nghĩ “còn nhỏ, chưa biết gì”; Coi trọng hình thức nghề hơn giá trị nghề; Bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề; Sắp đặt toàn bộ lộ trình cho con; Hướng nghề không căn cứ vào khả năng của con; Sử dụng tài chính để giúp con có việc làm; Chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục Trường Đại học Giáo dục cũng chỉ ra 6 sai lầm của học sinh khi chọn ngành nghề gồm: Dựa vào duy nhất năng lực học tập; Chọn nghề theo trào lưu; Chọn nghề vì lý do kinh tế; Chọn nghề được xã hội trọng vọng; Dành ít thời gian để tìm hiểu nghề nghiệp; Tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học.

Lời khuyên dành cho thí sinh khi chọn ngành nghề

Trao đổi về vấn đề định hướng sai ngành nghề, TS Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM khẳng định chọn sai ngành nghề sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc và cơ hội khác không chỉ của bản thân, gia đình mà còn cả xã hội.

Theo TS Lý, phụ huynh và giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Theo đó, khi tư vấn cho các em, thầy cô cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trả lời rõ 3 câu hỏi của vòng tròn hướng nghiệp:

“Câu hỏi thứ nhất của vòng tròn xuyên tâm hướng nghiệp là bạn phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp nào? Câu hỏi thứ 2 là học ngành nào để làm được nghề đó? Câu hỏi thứ 3 là chọn trường nào học ngành đó để sau này làm được nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mình?

Nếu vòng tròn của các câu hỏi có sự giao thoa lớn thì việc lựa chọn là đúng và hợp lý” - TS Lý giải thích.

Chia sẻ với thí sinh và phụ huynh, PGS. TS Trần Thành Nam cũng đưa ra 5 nguyên tắc chọn nghề, cụ thể là: Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; Không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng (sở thích, tính cách, năng lực); Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức...); Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.

"Khi áp dụng các nguyên tắc này, học sinh cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, các em cũng nên biết thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ như thế nào" - PGS Trần Thành Nam lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn