MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Huyên Nguyễn

Chuyên gia tư vấn thí sinh nên chọn đại học hay trường nghề

Vân Trang LDO | 03/05/2023 20:00
Việc lựa chọn học đại học hay trường nghề, cao đẳng là điều khiến không ít phụ huynh, học sinh quan tâm mỗi mùa tuyển sinh. 

Năm 2023, các trường đại học đồng loạt tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí. Theo đó, học phí các trường sẽ tăng dần theo từng năm học.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học, học viện, dự kiến tăng 10-20% học phí từ năm học 2023 - 2024. Thông tin này khiến không ít phụ huynh, học sinh băn khoăn chọn học đại học hay cao đẳng, trường nghề. Bởi với nhiều sinh viên ngoại tỉnh, ngoài học phí đại học, chi phí ăn ở, sinh hoạt hàng tháng rất tốn kém. 

Liên quan đến việc nên chọn học đại học hay học trường nghề, cao đẳng, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, trước khi đưa ra sự lựa chọn, thí sinh, phụ huynh cần hiểu rõ, hiện nay, thị trường lao động Việt Nam thiếu cả nhân lực tốt nghiệp đại học và nhân lực tốt nghiệp cao đẳng, trường nghề.

"Nói tổng thể, chúng ta thiếu cả thầy, cả thợ, đặc biệt là thầy và thợ chất lượng cao" - TS Phạm Như Nghệ nói.

Để thí sinh hiểu rõ về môi trường học đại học và cao đẳng trước khi đưa ra sư lựa chọn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT chia sẻ, mỗi bậc học sẽ có ưu, nhược điểm riêng.

Cụ thể, với bậc đại học, về mặt bằng cấp, trình độ đào tạo sẽ cao hơn cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về thang bảng lương, ngay trong Nhà nước đã quy định, nếu tốt nghiệp đại học, mức lương sẽ hơn tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xét tổng thể, cơ hội thăng tiến đối với học sinh tốt nghiệp đại học sẽ tốt hơn cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, hạn chế của việc học đại học là thời gian học dài hơn, tiêu chí tuyển sinh đầu vào cao hơn và học phí cũng đắt đỏ hơn so với học nghề.

"Nhược điểm của bậc đại học chính là ưu điểm của học nghề. Tuy nhiên, các thí sinh và phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, ở thị trường lao động Việt Nam cần cả những em tốt nghiệp đại học và cả những em tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các em có kiếm được việc làm hay không, việc làm có tốt không, thu nhập có cao hay không, ngoài thang bảng lương như đã nói ở trên, còn phụ thuộc vào chính bản thân các em. Năng lực làm việc của các em có đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hay không.

Do đó, dựa vào những ưu nhược điểm của các bậc học như đã nói ở trên, người học phải tự lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp nhất với mình. Không có phương án nào là ưu điểm tuyệt đối" - TS Phạm Như Nghệ phân tích. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn