MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có nên theo học trung tâm luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy?

Thiều Trang LDO | 30/01/2023 12:28

Đại diện các đơn vị đã giải đáp băn khoăn của nhiều học sinh và phụ huynh về việc "Có nên đăng ký luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tại các trung tâm?".

Hiện nay, nhiều đơn vị đã công bố lịch thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, phục vụ kỳ tuyển sinh năm 2023. Bên cạnh nhiều học sinh cố gắng tích lũy, nắm vững kiến thức cốt lõi phục vụ kỳ thi, nhiều học sinh lớp 12 đã chuyển hướng, tìm “lò luyện" thi để tạo cho mình nhiều cơ hội trúng tuyển đại học.

Trước những băn khoăn về việc đăng ký học các lớp ôn thi cấp tốc, lò luyện thi đánh giá năng lực có thực sự cần thiết hay không, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, điều này là không cần thiết.

Theo GS Thảo, khi tham gia các kỳ thi, việc đầu tiên nhiều thí sinh nghĩ đến là tìm một nơi nào đó để ôn luyện. Vì vậy, các em có tâm lý tham gia các trung tâm luyện thi, các nhóm ôn luyện.

"Đối với bài thi đánh giá năng lực, thí sinh tham gia luyện thi tại các trung tâm sẽ không giải quyết được vấn đề gì nhiều. Bởi đề thi đo năng lực, đo khả năng xử lý vấn đề các em hiểu và vận dụng.

Các trung tâm thường dạy theo kiểu truyền thống là kiểm tra kiến thức, các em ghi nhớ, học thuộc và làm theo, nhưng chúng tôi không ra đề như vậy.

Tâm lý của thí sinh là ôn thi sẽ làm bài tốt, đạt điểm cao, nhưng đó là bài kiểm tra kiến thức. Còn với bài thi đánh giá năng lực, năng lực của thí sinh ở đâu sẽ phản ánh trong bài thi đến đó" - GS Thảo nói.

Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội nhắc nhở học sinh hãy học tốt chương trình THPT, sách giáo khoa là tài liệu quan trọng nhất. Theo đó, ngữ cảnh sử dụng trong đề thi rộng, không chỉ có trong sách giáo khoa, không có giới hạn, nhưng học sinh học tốt kiến thức, kỹ năng, năng lực trong sách giáo khoa là có thể làm tốt bài thi.

GS Thảo cũng nhấn mạnh, ngân hàng đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội là vô cùng lớn, trên 12.000 câu hỏi để phục vụ cho các đợt thi. Do vậy, không một trung tâm hay thí sinh nào có đủ bộ nhớ để nhớ các câu hỏi này.

"Đề thi yêu cầu bảo mật rất cao, tất cả thí sinh, cán bộ - những người làm việc liên quan đến công tác thi đều kí cam kết không tham gia luyện thi, không tổ chức luyện thi, không tiết lộ, không sử dụng ngữ cảnh của đề thi ở bất kỳ nơi nào" - GS Thảo nhấn mạnh.

Thí sinh không cần thiết tham gia các trung tâm luyện thi đánh giá năng lực. Ảnh minh họa: Hà Phương

Với kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Vũ Duy Hải - Phó trưởng Phòng tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, rút kinh nghiệm từ những kỳ thi trước, năm 2023, bài thi có nội dung được điều chỉnh gọn nhẹ hơn (từ 270 phút xuống còn 150 phút) và tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính.

Kỳ thi đánh giá tư duy năm nay cũng xóa bỏ tổ hợp môn học để phù hợp với chương trình giáo dục THPT mới áp dụng. Phần thi Toán học cũng được chuyển sang hình thức trắc nghiệm với 4 dạng cấu trúc: chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn. 

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, các câu hỏi sẽ ngăn việc học mẹo.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Giang Quang

Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, việc tham gia luyện thi một phần giúp thí sinh tự tin, có kỹ năng làm bài tốt hơn.

Tuy nhiên, đối với luyện thi đánh giá năng lực cần cẩn trọng. Hiện có nhiều cá nhân, tổ chức luyện thi đánh giá năng lực dựa vào cấu trúc bài thi trong đề thi mẫu của các đại học công bố để xây dựng đề thi cho học sinh giải. Những bài thi này chưa được kiểm chứng, do đó có khả năng sai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn