MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm 2022. Ảnh: Vân Trang

Con thi lớp 10, phụ huynh đắn đo chọn trường công lập hay dân lập

Tường Vân LDO | 17/05/2023 06:00

Với sức nóng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội, nhiều phụ huynh đắn đo việc chọn trường THPT dân lập để "mua" sự yên tâm.

Đắn đo chuyện chọn trường

Là phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10, chị Nguyễn Quỳnh Trâm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn trăn trở câu chuyện chọn trường cho con.

So với năm ngoái, cuộc đua vào lớp 10 các trường THPT công lập năm nay của học sinh Hà Nội có phần căng thẳng hơn khi các trường công lập chỉ tuyển nhỉnh hơn 55% học sinh tốt nghiệp THCS.

Số còn lại buộc phải học tại các trường THPT tư thục, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp và hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các trường cao đẳng/trung cấp nghề.

Chính vì lí do này, chị Quỳnh Trâm đã cân nhắc phương án tìm cho con trường THPT dân lập để giảm bớt áp lực. 

"Nếu con đỗ trường THPT công lập, mức học phí vừa phải, ổn định. Còn nếu con học trường THPT dân lập, chi phí tốn kém hơn rất nhiều" - chị Quỳnh Trâm nói. 

Không riêng chị Quỳnh Trâm, rất nhiều ông bố, bà mẹ có con học lớp 9 tại Hà Nội cũng đắn đo việc chọn trường cho con. Có người không tiếc tiền triệu "giữ chỗ" tại các trường tư thục, để nếu chẳng may con trượt nguyện vọng công lập có chỗ để học.

Khác với chị Quỳnh Trâm và đa số phụ huynh, chị Nguyễn Khánh Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) lại chủ động từ sớm trong việc chọn trường tư thục cho con để giảm áp lực thi cử.

Chị Khánh Vân nhận xét, học lực của con không xuất sắc. Nếu tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, con chỉ có cơ hội trúng tuyển các trường ở top dưới. Những trường này xa gia đình, sẽ gây khó khăn cho con trong việc di chuyển. 

"Trong những lần kiểm tra gần đây, gia đình căn cứ vào kết quả học tập của con, tư vấn, định hướng của giáo viên nên đã quyết định cho con học trường THPT dân lập gần nhà. Con đã trúng tuyển bằng phương án xét học bạ và chỉ đợi hoàn thành việc xét tốt nghiệp THCS" - chị Khánh Vân nói.

Theo quan điểm của chị Vân, trường tư thục hay công lập đều có những ưu điểm, hạn chế riêng. Điều quan trọng, là mỗi gia đình chọn cho con được môi trường phù hợp với con cũng như điều kiện kinh tế của cha mẹ. 

"Việc xác định học trường dân lập giúp con và gia đình bớt áp lực. Học phí đắt hơn, nhưng đổi lại, con đi học gần nhà, gia đình cũng sẽ thuận tiện hơn trong việc giám sát quá trình học tập của con" - chị Khánh Vân chia sẻ. 

Áp lực đến từ kỳ vọng của phụ huynh

Từ nhiều năm nay, tại các tỉnh, thành phố lớn như ở Hà Nội, TPHCM,… quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dân số cơ học tăng nhanh, nhất là khu vực nội thành nên vẫn gây áp lực không nhỏ về chỗ học tập cho học sinh.

Theo các chuyên gia giáo dục, áp lực của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chủ yếu đến từ kỳ vọng của phụ huynh. Bởi ai cũng mong muốn con trúng tuyển vào ngôi trường tốt nhất.

Cô Đỗ Việt Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) - cho rằng, phụ huynh không nên quá lo lắng, gây áp lực lên tâm lí học sinh. Ngoài hệ thống trường THPT công lập, còn có các trường dân lập, các trường cao đẳng... 

Nhiều trường cao đẳng hiện nay vừa đào tạo nghề, vừa dạy văn hoá. Sau 3 năm, học sinh vẫn vừa có bằng tốt nghiệp, có thể đi làm, hoặc tiếp tục học lên các bậc học cao hơn. Như vậy, với học sinh khối 9, cơ hội rất rộng mở. 

"Các nhà trường đều tổ chức các buổi thi thử, đánh giá năng lực học sinh. Căn cứ vào kết quả thi đó, giáo viên tư vấn, định hướng cho phụ huynh học lực của các em. Cha mẹ không nên gây quá nhiều áp lực cho các em" - cô Hiền nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn