MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc sống du học sinh có thực sự mang màu hồng?

Phùng Nhung LDO | 27/07/2022 16:52

Bên cạnh những áp lực về học tập và thi cử, nhiều du học sinh Việt tại nước ngoài còn bị đè nặng bởi áp lực về kinh tế. Để rồi nhiều người phải thốt lên "cuộc sống du học sinh không chỉ màu hồng".

Làm đủ công việc để mưu sinh

Là du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, Kiều Loan - sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Sungshin - cho biết, bản thân phải làm đủ các nghề từ làm nông, làm phụ bếp, đến chạy bàn quán ăn, quán thịt nướng để có tiền trang trải cuộc sống.

"Cuộc sống của du học sinh không mang màu hồng như người ta vẫn thường nghĩ. Để tự lập và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình, em phải làm thêm cật lực. Em nhớ như in những ngày đầu tiên sang Hàn, vốn ngoại ngữ chưa tốt khiến em gặp khó khăn trong giao tiếp nên em và bạn cùng phòng rủ nhau đi làm nông (công việc ngoài đồng ruộng).

Ở Việt Nam, em chưa từng làm công việc này. Ngày đó, công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều, em trồng rau, cuốc đất, hái hoa, làm quần quật suốt nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng. Vất vả nhưng mức lương bèo bọt khiến em muốn khóc và bỏ cuộc” - Loan chia sẻ.

Du học sinh Kiều Loan tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Cô bạn cho biết, khởi đầu ai cũng gặp khó khăn nhưng hiện tại đã quen, cuộc sống đã dần ổn định. Hiện tại Loan đang làm nhân viên chạy bàn 4 tiếng cho một quán ăn với mức lương ổn hơn.

Công việc tuy vất vả nhưng giúp Loan có chi phí để trang trải cuộc sống. Em cũng cố gắng cân bằng việc học và làm để đảm bảo đạt kết quả tốt trong học tập, giành học bổng để giảm áp lực về học phí, đỡ đần gia đình.

Áp lực mưu sinh tới mức kiệt sức

Bắt đầu một cuộc sống không người thân, không bạn bè tại đất nước Nhật Bản, mọi thứ đều vô vùng lạ lẫm với Tạ Quốc Bảo -sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Kobe.

Bảo cho biết, gia đình em không khá giả, khi quyết định du học gia đình đã vay mượn hơn 200 triệu đồng để đủ tiền cho em tới học tập tại “xứ sở hoa anh đào”. Thời gian đầu vô cùng khó khăn, em gánh trên vai áp lực cơm áo gạo tiền của bản thân và món nợ của gia đình.

“Gánh nặng về kinh tế buộc em phải tìm kiếm việc làm. Cuộc sống như một vòng tuần hoàn lặp lại suốt năm này qua năm khác. Hiện tại, em đang làm 3 công việc một lúc vì việc không đều. Có ngày em đi làm ở quán bán bánh mì, hôm đi làm kim chi, cuối tuần rảnh không phải đi học em nhận làm thêm cơm hộp. Cuộc sống dẫu vất vả nhưng em vẫn phải cố gắng để bố mẹ ở quê bớt khổ” - Quốc Bảo chia sẻ.

Cuộc sống quay cuồng, áp lực học tập và nặng gánh tài chính khiến Bảo kiệt sức. Đỉnh điểm là những lúc tụt canxi đến mức phải nhập viện.

"Lúc đó, cả người đều cứng đơ, tay chân run rẩy đi không nổi, buộc phải cấp cứu. Ở nơi xứ người không gia đình, không bạn bè, cũng may có cộng đồng người Việt giúp đỡ nhau vượt qua.

Khó khăn chồng chất khó khăn, cộng thêm việc tiền Nhật bị mất giá, quy ra giá trị tiền Việt bị giảm đi khiến số tiền gửi cho gia đình bị ít đi đáng kể" - Bảo tâm sự.

Du học sinh Quốc Bảo tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Bảo cũng cho biết, thành quả suốt một năm làm việc vừa qua đã giúp em trả gần xong số nợ cho gia đình. Trong thời gian tới, em sẽ giảm bớt việc làm thêm và chú tâm hơn vào việc học tập.

Là du học sinh chuyên ngành giao tiếp, dịch vụ và phiên dịch -  Học viện Nhật ngữ EHLE tại Nhật Bản, Nguyễn Tuấn Anh cho biết, du học tạo cho bản thân nhiều cơ hội mới. Du học sinh được học tập kiến thức mới, tiếp xúc với nền văn hoá mới.

Tuy nhiên, lần đầu học tập ở nước ngoài sẽ không tránh khỏi khó khăn. Nhiều trường hợp gặp vấn đề tâm lí như khó thích ứng với môi trường học tập, gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống. Vì vậy, trước khi bước đến một đất nước mới, sinh sống và học tập trong môi trường mới, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn