Đến thời điểm hiện tại, các tỉnh thành đã hoàn tất quy trình tổ chức thi, chấm và đã công bố điểm thi, điểm chuẩn kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2022-2023. Dù là 3 môn thi trong một kỳ thi nhưng cách tính điểm hệ số các môn thi ở các địa phương đang có sự khác nhau.
Một số địa phương như Hà Nội, Khánh Hòa, Hải Phòng… vẫn áp dụng nhân hệ số hai với bài thi môn Toán và Ngữ văn, riêng môn Ngoại ngữ là hệ số một.
Nhiều thầy cô cho rằng, việc nhân hệ số với một môn nào đó chỉ góp phần làm gia tăng việc học lệch môn, các em chỉ lo tập trung học môn Toán, Ngữ văn rồi nảy sinh môn chính môn phụ và cũng dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm, luyện thi môn Toán, Ngữ văn.
Từ năm học 2020-2021, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 26/2020 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011 nên đã có một số thay đổi so với trước đây.
Cụ thể tại khoản 6, điều 2 của Thông tư 26/2020 đã hướng dẫn: “Thay thế cụm từ "của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn" tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 13 bằng cụm từ "của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ”. Như vậy, có thể thấy, môn ngoại ngữ đã có vị thế ngang hàng với môn Ngữ văn và Toán trong việc xếp loại, công nhận danh hiệu học tập cho học sinh.
Như nói trên, cách đánh giá, xếp loại học sinh hiện nay ở cấp THCS, THPT (trừ lớp 6 thực hiện theo Thông tư 22) là không nhân hệ số 2 với môn toán và ngữ văn, khi đánh giá xếp loại học lực học sinh, điểm môn tiếng Anh được tính tương đương với môn toán, ngữ văn. Để xếp loại học lực giỏi thì điểm trung bình các môn phải từ 8,0 trở lên, không có môn nào dưới 6,5 và một trong ba môn toán, ngữ văn hoặc tiếng Anh phải từ 8,0 trở lên.
Cách tính điểm nhân hệ số môn Toán, Ngữ văn có thể tạo ra cảm giác ngộ nhận cho học sinh là đạt điểm cao 3 môn thi (vì nhân hệ số) nhưng thực tế là điểm thấp nếu không nhân hệ số và cũng có thể xảy ra trường hợp học sinh giỏi môn tiếng Anh mất lợi thế do học kém môn toán, ngữ văn vì môn toán hoặc nhân hệ số 2; ngược lại những học sinh kém tiếng Anh vẫn có thể trúng tuyển do có thế mạnh môn toán, ngữ văn vì được nhân hệ số 2.
Hơn nữa dù có nhân hệ số hay không thì trong nguyên tắc xét tuyển là lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu do vậy việc có nhân hệ số hay không cũng không ảnh hưởng gì đến chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng học sinh đỗ hay hỏng bởi chỉ tiêu tuyển sinh được ấn định trước khi thi.
Vì vậy, đã đến lúc các địa phương cần thay đổi cách tính điểm của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 bằng cách tính theo hệ số 1 tất cả các môn thi tuyển mà nhiều tỉnh, thành đã thực hiện như: thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Nam Định… nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các bộ môn, đúng theo hướng dẫn của Thông tư số 26 về đánh giá xếp loại học sinh phù hợp với thực tế hiện nay.