MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đặt nguyện vọng xét tuyển đại học: Cân nhắc kỹ khi chọn ngành "hot"

Kim Nhung LDO | 26/07/2022 20:17

Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc chọn ngành, chọn nghề. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần đưa ra lựa chọn phù hợp nhằm gia tăng cơ hội bước vào cánh cổng đại học, mở rộng tương lai.

Cân nhắc và tìm hiểu kỹ các chuyên ngành liên quan

Cứ mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện về chọn ngành, chọn nghề lại trở thành mối bận tâm khiến nhiều thí sinh và phụ huynh đứng ngồi không yên. Nhiều thí sinh chọn ngành nghề theo định hướng của gia đình, người chọn theo sở thích, số khác lại “đua” theo đám đông. Dù ở bất kỳ lựa hoàn cảnh nào, thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ trước khi đặt nguyện vọng.

Theo TS.Tạ Quang Chiểu - Phó trưởng Khoa công nghệ thông tin Đại học Thủy lợi, Công nghệ thông tin (CNTT) hiện đang là ngành "hot" được nhiều thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, trong CNTT sẽ có những chuyên ngành sâu mà thí sinh nên cân nhắc:

“Theo tôi quan sát thì những thí sinh am hiểu về ngành thường đăng ký trực tiếp vào các ngành liên quan như Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật mạng mạng, Kỹ thuật phần mềm… Với những người chưa hiểu sâu hoặc theo xu hướng đám đông sẽ chọn CNTT nói chung.

Cần lưu ý rằng, với những chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật phần mềm… chương trình đào tạo cũng không có quá nhiều khác biệt so với ngành CNTT, trong khi nhu cầu việc làm đang ở mức cao, lại ít người biết đến.

Trong khi có những thí sinh chỉ đăng ký một ngành CNTT ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau. Điểm chuẩn ngành cao, mức cạnh tranh cao khiến thí sinh dễ trượt tất cả các nguyện vọng’’ - TS.Tạ Quang Chiểu cho biết.

Ảnh: LĐO

Cũng theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Ngoại thương, trong quá trình tư vấn tuyển sinh, bà đã gặp rất nhiều thí sinh còn “mơ hồ”, chưa thực sự hiểu rõ về nguyện vọng mình lựa chọn:

“Nhiều bạn mong muốn sau khi ra trường làm kinh doanh, chủ doanh nghiệp… nhưng khi chọn lại chọn ngành Kinh tế học, Kinh tế quốc tế…. Trong khi các ngành này đều thuộc nhóm Khoa học xã hội và hành vi, thiên nhiều về lĩnh vực nghiên cứu. Nếu muốn làm kinh tế, muốn khởi nghiệp, sự lựa chọn phù hợp phải là nhóm Kinh doanh và quản lý” - PGS.TS Vũ Thị Hiền nhấn mạnh phụ huynh và thí sinh cần có sự phân biệt rõ.

Đừng bỏ qua những ngành “kén” người học

Bên cạnh những ngành hot như kinh tế, CNTT, nhóm ngành Khoa học cơ bản như: Kỹ thuật địa trắc bản đồ, Khoa học Trái đất, Khí tượng… lại luôn trong tình trạng thiếu sinh viên trầm trọng.

Theo Th.S Nguyễn Kim Chung - Phó Trưởng Bộ phận tuyển sinh Trường Đại học Mỏ - Địa chất, càng những ngành kén người học, nhu cầu việc làm của xã hội lại càng cao.

“Với những chuyên ngành như Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Kỹ thuật trắc địa công trình, Địa trắc học… sinh viên chỉ nghe tên thôi đã sợ khó, sợ khổ. Trong khi các bạn chưa thật sự tìm hiểu kỹ về nó. Hơn nữa, kỹ thuật phát triển cho ra đời nhiều máy móc hiện đại, gần như thay thế, hỗ trợ chúng ta trong công việc.

Dù nhà trường có cam kết đầu ra hay đưa ra những chính sách thu hút cực ưu đãi với sinh viên, vẫn rất khó có thể xoá bỏ tâm lý của các bạn trẻ hiện nay. Cũng cần nhấn mạnh số lượng đầu vào ít đồng nghĩa với việc số lượng đầu ra ít. Trong khi nhu cầu về nhân lực của các ngành đào tạo này đang ở mức báo động” - Th.S Nguyễn Kim Chung cho biết.

Cùng quan điểm với Th.S Nguyễn Kim Chung, TS. Tô Mạnh Cường - Trưởng Khoa Lý luận chính trị Đại học Thuỷ lợi cũng cho rằng, thí sinh nên cân nhắc kỹ và xem xét các nhóm ngành đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.

“Thí sinh không nên chạy theo xu hướng số đông mà nên tham khảo và tìm hiểu kỹ các chuyên ngành đào tạo phù hợp với sở thích và năng lực bản thân” - TS. Tô Mạnh Cường nhấn mạnh.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn