MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên cho rằng, cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong việc ra đề thi, từ đó thay đổi trong dạy, học và thi. Ảnh: Thiều Trang

Đề Ngữ văn an toàn tới mức thiếu đột phá khiến việc dạy học theo lối mòn

Thiều Trang - Phùng Nhung LDO | 11/07/2022 20:00

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) 2022 kết thúc, dư luận dấy lên tranh cãi khi cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay chưa phát huy được sự sáng tạo của học sinh. Nhiều giáo viên cho rằng, cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong việc ra đề thi, từ đó mới có thể thay đổi cách dạy và học.

Cần đổi mới mạnh mẽ trong việc ra đề thi

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá đề thi vừa sức và bám sát với những đơn vị kiến thức đã được ôn tập. Đặc biệt, đề thi năm nay có độ phân hóa cao hơn so với năm trước, để đạt điểm giỏi thí sinh cần rất nhiều kỹ năng.

Trao đổi với Lao Động, cô Lê Thị Thoa - giáo viên Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) cho biết, nhìn chung đề thi bám sát cấu trúc đề minh hoạ của Bộ GDĐT với hai phần đọc hiểu và làm văn khá quen thuộc trong những năm gần đây. Tuy nhiên với mức độ phân hoá của đề thi, thí sinh đạt điểm trong khoảng từ 5-7 điểm sẽ rất nhiều.

“Phần đọc hiểu tôi đánh giá dễ dàng giúp thí sinh đạt điểm tuyệt đối bởi không có gì quá khó, chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết thông thường.

Ở phần nghị luận xã hội với yêu cầu viết về sự hy sinh của lớp người đi trước và trách nhiệm của giới trẻ, tôi cho rằng đây là một vấn đề khá cũ, quen thuộc với học sinh. Nếu không có cách viết mới, dẫn chứng mới, sự cảm nhận tinh tế thì sẽ không có nhiều bài viết thực sự sâu sắc” - cô Thoa nhận định.

Tuy nhiên, đề thi môn Ngữ văn đã gây ra tranh cãi trong dư luận vì nhiều ý kiến cho rằng đề thi cũ kĩ, thiếu sáng tạo. Chia sẻ về vấn đề này, cô An Hà - giáo viên Trường THPT An Dương (Hải Phòng) cho rằng cần có sự thay đổi trong đề thi thì mới có thể thay đổi trong cách dạy và học.

“Đề thi môn Ngữ văn 2022 an toàn tới mức thiếu đột phá, bản thân tôi mong chờ nhiều hơn thế, đặc biệt là ở câu nghị luận xã hội. Tôi mong đợi một câu hỏi mở gần với thực tế, để học sinh có thể dễ dàng nhìn nhận, thoải mái thể hiện tư duy, quan điểm của mình.

Chúng tôi thường hướng học sinh học và ôn tập sát với đề thi tốt nghiệp để thí sinh có thể quen với dạng đề. Vì vậy, tôi cho rằng cần đổi mới mạnh mẽ trong việc ra đề thi”- cô An nói.

Một giáo viên tại Trường THPT Lê Quảng Chí (Hà Tĩnh) cũng chia sẻ, việc thi và ra đề thi theo lối mòn sẽ hướng thí sinh dập khuôn máy móc trong những tư duy cũ và không thể phát huy tối đa khả năng của bản thân thí sinh. Tuy nhiên, nếu đề Ngữ văn quá mở sẽ gây khó khăn trong việc xây dựng thang điểm chấm thi.

"Cảm nhận của mỗi giám khảo chấm thi khác nhau, rất dễ xảy ra tình trạng điểm thi các nơi không đồng nhất, ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh đại học. Vì vậy khâu ra đề thực sự là một thử thách lớn trong thời gian tới" - giáo viên này nêu quan điểm.

Sẽ không còn chuyện đoán “tủ” đề Ngữ văn

Từ khóa "đoán trúng đề thi" trong nhiều ngày qua bỗng "hot" vì có thông tin một tài khoản trên mạng xã hội đã đoán trúng đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT liên tiếp 3 năm. Từ đó dư luận cũng đặt ra vấn đề phải chăng việc ra đề Văn đã và đang đi theo lối mòn nên dễ đoán?

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho rằng:

“Với một số lượng người tham gia dự đoán rất lớn trên một số lượng không nhiều tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường, thì xác suất đoán đúng đề thi là điều dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng, cùng một tác phẩm nhưng có nhiều câu hỏi khác nhau.

Vì vậy, việc đoán đúng tác phẩm không phải là đoán đúng đề, mà đoán đúng đề phải là đoán đúng câu hỏi đặt ra với tác phẩm nào, hay đoạn trích tác phẩm nào”.

Ông Thành cũng cho rằng hiện tượng trên xảy ra với chương trình hiện hành. Ở thời điểm hiện tại, nước ta đang thực hiện chương trình 2006. Đối với đề Văn, cấu trúc ma trận vẫn tương tự các năm trước, bao gồm 2 phần lớn là đọc hiểu văn bản và phần nghị luận văn học. Phần đọc hiểu văn bản vẫn đảm bảo tính mới, cập nhật và hoàn toàn không có trong sách giáo khoa. Còn phần nghị luận văn học vẫn là những tác phẩm có trong chương trình sách giáo khoa.

Còn với chương trình mới (bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023, lứa tốt nghiệp đầu tiên thi vào năm 2025), một chương trình nhiều sách giáo khoa, nên ngữ liệu được dùng để kiểm tra đánh giá sẽ phong phú, không gói gọn trong một cuốn sách giáo khoa cụ thể nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn