MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điểm chuẩn Đại học Bách khoa Hà Nội 3 năm qua

Thu Trang LDO | 04/04/2023 19:18

Những năm gần đây, nhóm ngành Công nghệ thông tin luôn "hot", thu hút sự quan tâm của thí sinh tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 2020, ngành Công nghệ thông tin: Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn cao kỉ lục là 29,04 điểm, thí sinh phải đạt hơn 9 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển. Đây cũng là ngành học hot của trường nhiều năm trở lại đây và luôn có mức điểm chuẩn cao nhất.

Xếp sau đó là điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin: Kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin: Khoa học dữ liệu và Công nghệ thông tin: Trí tuệ nhân tạo với điểm chuẩn lần lượt là 28,65. Điểm chuẩn thấp nhất vào Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020 là 19 điểm.

Năm 2021, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất trên 28 điểm là Công nghệ thông tin: Khoa học máy tính với 28,43 điểm; Công nghệ thông tin: Kỹ thuật máy tính lấy 28,1 điểm; Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo lấy 28,04 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Quản lý tài nguyên và môi trường với 23,53 điểm. 

Năm 2022, điểm chuẩn Đại học Bách khoa Hà Nội dao động từ 23,03 đến 28,29 điểm. 

Theo đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Công nghệ thông tin: Kỹ thuật Máy tính 28,29 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Kỹ thuật hóa học, Hóa học, Kỹ thuật in, Kỹ thuật Môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường là 23,03 điểm.

Biến động điểm chuẩn Đại học Bách khoa Hà Nội những năm gần đây. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 7.985 sinh viên. Gồm 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy; xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, về phương thức tuyển sinh, năm nay không có nhiều điều chỉnh so với năm 2022. Đối với một số ngành, các em có thể đăng kí vào các phương thức khác nhau.

Năm 2023, Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ cập nhật kết quả kỳ thi đánh giá tư duy lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GDĐT để thuận lợi cho thí sinh và các trường sử dụng kết quả để xét tuyển.

Thông tin rõ hơn về phương thức xét tuyển tài năng, PGS Điền cho biết, phương thức này chủ yếu xét học sinh có học lực giỏi ở các trường THPT chuyên, học sinh giỏi quốc gia với chỉ tiêu khoảng 1.000 học sinh/năm. Qua thực tế đào tạo cho thấy, số học sinh này có năng lực tốt, là nguồn lực quý của nhà trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn