MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tự do mong mỏi nhận được sự công bằng ở kỳ tuyển sinh 2022. Ảnh: LĐO

Điểm ưu tiên khu vực: Không nên phân biệt thí sinh

Thiều Trang LDO | 19/04/2022 19:00

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 được kỳ vọng bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới về thí sinh tự do không được cộng điểm ưu tiên khu vực sẽ gây bất bình đẳng giữa các đối tượng.

Mong mỏi của thí sinh tự do

Những năm gần đây, mỗi năm cả nước có khoảng 1.000.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), trong đó có 40.000 - 50.000 thí sinh tự do. Theo đó, quyền lợi và nghĩa vụ của những thí sinh này và toàn bộ thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp là như nhau. Tuy nhiên, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022 đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến tính công bằng giữa các đối tượng thí sinh.

Theo dự thảo, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp; thí sinh thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên (như khu vực 3). Cảm thấy quy chế trên không có tính công bằng, em Ngô Thị Linh (Hưng Yên) cho rằng, Bộ GDĐT nên lắng nghe thí sinh và xem xét lại dự thảo.

"Hiện nay, các trường đại học ngày càng mở rộng phương thức xét tuyển. Phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT có xu hướng giảm thì số điểm cộng ưu tiên khu vực lại càng quan trọng với chúng em - những thí sinh đã từng trượt đại học vì thiếu từng dấu phẩy. Số điểm ưu tiên ấy cũng chính là ranh giới giữa việc đỗ và trượt một nguyện vọng.

Đặc biệt, không phải thí sinh tự do nào cũng có điều kiện để chuyển tới thành thị, nơi có chất lượng giảng dạy tốt hơn để ôn luyện như đại diện Bộ GDĐT nói. Hơn nữa, việc ôn thi đối với thí sinh tự do cũng rất áp lực. Có những thí sinh vừa học đại học, vừa đi làm, vừa ôn thi nên việc học tập cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, em hy vọng Bộ GDĐT hãy cân nhắc, xem xét để đưa ra quy chế công bằng nhất" - Linh mong mỏi.

Em Lê Trường Sơn (Đăk Lăk) cũng không đồng ý về việc bỏ điểm ưu tiên khu vực của thí sinh tự do. Sơn cho rằng, nhiều người thi lại không chỉ vì thi trượt mà còn do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải chấp nhận thua bạn bè 1 năm để đi làm, sau đó mới có đủ kinh tế quay về ôn tập.

"Việc Bộ GDĐT bỏ điểm cộng này sẽ làm cho cánh cửa đại học của các bạn ấy đã hẹp lại còn hẹp hơn. Bên cạnh đó, thay đổi này còn làm cho không khí giữa các thí sinh trở nên căng thẳng và khiến chúng em có cảm giác bị kỳ thị" - Sơn nói.

Có thực sự công bằng?

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, quy định không cộng điểm ưu tiên cho thí sinh thi tốt nghiệp năm trước có thể gây ra bất công. Theo PGS Dũng, một số thí sinh vừa tốt nghiệp THPT đã đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự nên chưa thể xét tuyển vào đại học, nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải bươn chải để có kinh phí vào đại học. Những đối tượng này mất điểm cộng sẽ rất thiệt thòi.

"Đã ưu tiên là phải ưu tiên tất cả đối tượng như cũ, không phân biệt thí sinh thi năm này và năm khác, còn không thì bỏ hết để tạo công bằng cho thí sinh" - PGS Dũng nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn