MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Môn Lịch sử cấp THPT sẽ có 52 tiết bắt buộc mỗi năm học

Điều chỉnh chương trình môn Lịch sử bậc THPT, xây dựng sao cho phù hợp?

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 13/07/2022 15:18

Môn Lịch sử cấp THPT sẽ có 52 tiết/mỗi năm được dạy đại trà cho tất cả học sinh. Việc thiết kế chương trình, sách giáo khoa, kế hoạch dạy học, phân phối chương trình, phân chia tổ hợp… như thế nào để phù hợp, thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập gồm có phần bắt buộc và phần tự chọn là vấn đề đặt ra với các cơ sở giáo dục. 

Về thời lượng, với qui định 52 tiết mỗi năm lớp 10, 11, 12 được dạy bắt buộc đại trà cho học sinh như vậy là hợp lý, cân đối, bình quân mỗi tuần các em được học 1,5 tiết x 35 tuần = 52,5 tiết.

Trong 52 tiết đó dành ra 8 tiết để ôn tập và kiểm tra theo Thông tư 22 hướng dẫn về thực hiện kiểm tra và đánh giá học sinh đối với lớp 6,7,10 áp dụng từ năm học 2021-2022, gồm có 2 tiết ôn tập, 2 tiết kiểm tra giữa kì và cuối kì/ học kì. Như vậy là giảm 18 tiết/năm so với dự kiến ban đầu.

Còn đối với chương trình tự chọn thì số tiết phải ít nhất là 70 tiết mỗi năm với lớp 10, 11 và 12, vì các em cần học chuyên sâu hơn, phù hợp với sự lựa chọn định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT như thiết kế trước chương trình ban đầu.

Về chương trình, với qui định 52 tiết bắt buộc nên chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phải có sự điều chỉnh cần thiết và điều chỉnh như thế nào cho hợp lý để không làm ảnh hưởng đến chương trình tổng thể của môn Lịch sử trong khi năm học mới 2022-2023 chỉ còn hơn một tháng nữa là bắt đầu là vấn đề đặt ra với các cơ sở giáo dục. Là người trực tiếp đứng lớp dạy môn lịch sử cấp THCS, tôi đề xuất hướng triển khai như sau:

Đối với phần lịch sử tự chọn, cơ bản vẫn giữ nguyên theo như thiết kế chương trình ban đầu (70 tiết) vì chương trình, nội dung, sách giáo khoa lịch sử đã được thống nhất thông qua và sách giáo khoa lịch sử lớp 10 đã phát hành nay đã đến tay học sinh rồi, không nên thu hồi hủy bỏ. Phần lựa chọn thì ngoài phần lịch sử Việt Nam, Cộng đồng các dân tộc Việt Nam và lịch sử Đông Nam Á, học sinh còn phải học phần lịch sử thế giới thời kỳ cổ - trung đại và các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới.

Đối với phần bắt buộc thì dựa trên cơ sở chương trình tự chọn, chỉ cần xác định nội dung kiến thức lịch sử cơ bản, cốt lõi nhất yêu cầu tất cả học sinh đều phải học theo qui định: Phần bắt buộc tất cả học sinh phải học gồm: Lịch sử Việt Nam (Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam trước năm 1858); Cộng đồng các dân tộc Việt Nam và lịch sử Đông Nam Á (Văn minh Đông Nam Á).

Như vậy lịch sử Việt Nam được khắc sâu in đậm hơn trong tiến trình lịch sử chung của nhân loại đáp ứng được yêu cầu giáo dục truyền thống dân tộc, nhân cách cho các em.

Nếu thực hiện như vậy chương trình không phải thay đổi xáo trộn hay phải xây dựng lại và sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 cũng không cần phải biên soạn mới mà chỉ cần xác định nội dung nào là phần bắt buộc, nội dung nào tự chọn và trên số tiết qui định cứng từng phần 52 (bắt buộc) -70 (tự chọn) của Bộ GDĐT phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp. Cần thiết Bộ GDĐT chỉ đạo viết bổ sung một số chuyên đề lịch sử nâng cao dành cho học sinh tự chọn môn lịch sử.

Lịch sử suy cho cùng là câu chuyện kể về quá khứ, vậy việc thầy cô dạy như thế nào để học sinh thấm được cái hồn núi sông ngàn năm ông cha ta đã dựng xây và bảo vệ để có Việt Nam ngày nay, giáo dục truyền thống yêu nước, nhân cách... mới là điều quan trọng.

Thiết nghĩ nên chăng thầy cô cần tích cực nhiệt huyết đổi mới thật sự phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú, say mê kéo các các em trở về với quá khứ oai hùng của dân tộc, khám phá những lớp trầm tích lịch sử Việt Nam và thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa Bộ GDĐT phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, thi cử môn lịch sử hiện nay theo hướng dạy học phát huy năng lực, phẩm chất học sinh một cách đồng bộ với việc đổi mới chương trình 2018.                                                         

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn