MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nụ cười của học sinh khi hoàn thành bài thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Hải Nguyễn

Đổi mới cách ra đề thi Ngữ văn vào lớp 10

Tường Vân LDO | 13/06/2024 08:45

Nhiều tỉnh thành đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025. Điểm mới năm nay là xu hướng ra đề thi Ngữ văn giữ cấu trúc ổn định nhưng mang tính "mở", giúp học sinh thỏa sức sáng tạo.

Năm nay, ngoại trừ một số tỉnh thành xét tuyển vào lớp 10 như: Gia Lai, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Nam... đa số địa phương đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Theo đánh giá sơ bộ, kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi, đề thi vừa sức, không gây căng thẳng cho thí sinh. Riêng với môn Ngữ văn, đề thi tại một số tỉnh thành được đánh giá là có tính sáng tạo, cả phần đọc hiểu lẫn nghị luận xã hội, nghị luận văn học đề chứa nội dung liên hệ mở rộng. Do đó, nếu chỉ dạy học theo chương trình sách giáo khoa mà không mở rộng liên hệ thực tế thì khó có thể hoàn thành bài thi.

Là 1 trong số gần 105.000 sĩ tử tại Hà Nội vừa hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025, em Đào Minh Quang - cựu học sinh lớp 9 Trường THCS Đoàn Thị Điểm cảm thấy ấn tượng với đề thi Ngữ văn năm nay.

"Đề nghị luận xã hội về việc ứng xử trước mong đợi của những người thân yêu, em đã lấy dẫn chứng ngay về việc tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Bố mẹ em rất thoải mái và không đặt nhiều áp lực lên con cái. Mong đợi của bố mẹ không quá lớn, nên em không quá nặng nề, áp lực" - Minh Quang nói.

Hay tại TPHCM, nhiều sĩ tử cũng nhận xét, chủ đề xuyên suốt các câu hỏi trong đề thi môn Ngữ văn cũng mới mẻ và thú vị khi đề cập "nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình".

Không riêng tại Hà Nội hay TPHCM, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tỉnh Đắk Lắk năm nay cũng được nhiều học sinh, phụ huynh, giáo viên nhận xét là "mở hết cỡ" và có tính thời sự khi đưa câu chuyện 4 "người hùng" trong vụ cháy trên phố Trung Kính (Hà Nội) ngày 24.5 vào đề thi.

Với ngữ liệu này, đề thi yêu cầu thí sinh trả lời các kiến thức đọc hiểu, tiếng Việt và đặc biệt, hỏi quan điểm của thí sinh về ý kiến: "Trong hoàn cảnh ấy ai cũng sẽ hành động giống như mình mà thôi". Còn ở phần nghị luận xã hội, các em trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của sự tử tế trong cuộc sống hiện nay qua một bài văn ngắn (250 chữ).

"Đây là vấn đề mang tính thời sự, tạo điểm nhấn cho đề môn Văn. Vấn đề nghị luận trong câu nghị luận xã hội cũng phù hợp với phần đọc hiểu, là vấn đề mà các thí sinh ôn tập kỹ" - em Đinh Hoàng Mai Châu - học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột) bày tỏ thích thú nhận xét về ngữ liệu đọc hiểu trong đề thi vào lớp 10 tỉnh Đắk Lắk.

Từ năm học 2024-2025 tới đây, học sinh lớp 9 sẽ học chương trình 2018 với nhiều thay đổi về môn học so với hiện nay và cách thức kiểm tra, thi cử cũng sẽ khác. Đặc biệt, đối với môn Ngữ văn, đề thi sẽ lấy ngữ liệu phần đọc hiểu và viết ngoài sách giáo khoa hoàn toàn. Điều này được nhiều giáo viên, học sinh kỳ vọng sẽ giúp học sinh thoát cảnh "học vẹt", lối truyền thụ kiến thức một chiều "cô đọc, trò chép" như lâu nay vẫn diễn ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn