MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Động cơ khiến các trường cố tình chèn giờ học thêm vào giờ học chính

Nhóm PV LDO | 18/09/2023 09:48

Nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục đặt ra câu hỏi, có phải vì Chương trình mới chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, buộc nhà trường phải dạy thêm, hay vì mục đích tư lợi, phần trăm hoa hồng với các đơn vị liên kết.

Dạy thêm liên kết và câu chuyện "hoa hồng"

Như Lao Động đã thông tin, đầu năm học 2023 - 2024, phụ huynh tại nhiều trường học trên địa bàn TP. Hà Nội nhận được thông báo yêu cầu tự nguyện đăng kí cho con học thêm các lớp học liên kết, lớp học tiếng Anh tăng cường.

Một trường Tiểu học ở quận  Hoàng Mai, Hà Nội đưa ra 3 chương trình dạy liên kết với đơn vị tư nhân (chưa tính các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp), gồm: Tiếng Anh BME-KIDs (mức thu 150.000 đồng/tháng); Tiếng Anh Toán (mức thu 100.000 đồng/tháng); bổ trợ Tiếng Anh thông qua bộ môn Khoa học STEM (mức thu 150.000 đồng/tháng).

Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) cũng triển khai chương trình làm quen tiếng Anh, tiếng Anh thông qua ngôn ngữ Toán - Khoa học đối với học sinh lớp 1, 2. Một tuần 4 tiết, mức giá hơn 460.000 đồng/học sinh/tháng và 4.140.000 đồng/học sinh/năm học (9 tháng).

Dù nói là tự nguyện, nhưng điều khiến phụ huynh bức xúc là các tiết học được chèn vào các giờ học chính khoá, khiến phụ huynh khó lòng từ chối tham gia.

Các tiết học thêm, dạy thêm được nhà trường lồng ghép vào thời khoá biểu chính thức khiến phụ huynh rơi vào thế khó. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Trả lời Báo Lao Động, Hiệu trưởng một trường Tiểu học  quận Hoàng Mai cho biết, những học sinh đăng kí học thêm, tiền sẽ nộp cho đơn vị liên kết. Sau đó, công ty sẽ chi trả lại cho nhà trường 20%.

Điều này khiến nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục đặt ra câu hỏi, có phải vì Chương trình mới chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, buộc nhà trường phải dạy thêm, hay vì mục đích tư lợi, phần trăm hoa hồng với các đơn vị liên kết.

"Thời khoá biểu là do nhà trường xếp. Rõ ràng là có ý đồ. Tình trạng trên cần được chấn chỉnh sớm để không làm xấu hình ảnh của ngành giáo dục" - anh Nguyễn Minh Quang - phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ.

Cần xử lí nghiêm hiệu trưởng nếu xảy ra vi phạm

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, định hướng của chương trình mới là đảm bảo học sinh, đặc biệt là bậc tiểu học, THCS có thời gian trải nghiệm, có thời gian nhận thức, rèn luyện các kỹ năng, có thêm thời gian để tham gia các hoạt động về nghệ thuật, âm nhạc, trải nghiệm,... chứ không phải tăng giờ học, nhồi nhét các kiến thức.

Việc các trường liên kết với các trung tâm bên ngoài để dạy thêm, đưa phụ huynh, học sinh vào thế khó, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, điều này chỉ đem lại lợi ích cho thầy cô giáo, không đúng chủ trương của chương trình mới.

"Phụ huynh cũng cần nhận thức rõ điều này để hiểu đúng về chương trình mới. Phía các cơ quan quản lí, các Sở GDĐT cần thanh tra, lấy ý kiến của phụ huynh về hoạt động dạy thêm, học thêm, dạy liên kết trong trường học. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về các hoạt động trong trường.

UBND các tỉnh, thành phố cần quán triệt, xử lí thật nghiêm người đứng đầu để ngăn chặn tình trạng này. Có như vậy, mới ngăn chặn được các tiêu cực khiến dư luận xã hội bức xúc" - TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn