MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhập học. Ảnh: Thiều Trang

Dự kiến không tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp: Thuận lợi hay bất lợi?

Phùng Nhung LDO | 21/06/2022 20:55

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2022, trong đó nội dung được nhiều học sinh và giáo viên quan tâm là trường dự kiến không tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) từ năm 2023.

Nhiều quan điểm trái chiều

Từ năm 2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế. Trường không tuyển theo các phương thức còn lại, kể cả sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT - vốn là phương thức chủ đạo của trường trong những năm trước 2022.

Theo kế hoạch, 70% chỉ tiêu đầu vào năm 2023 dành cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc xét hai tiêu chí này cùng nhau. 30% còn lại dành cho những em xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và các điểm học thuật khác.

Ngay khi thông tin này được đăng tải, không ít thí sinh đã bày tỏ sự băn khoăn và lo lắng. Em Nguyễn Thu Phương - học sinh lớp 11, Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) cho biết, em đã xác định thi tuyển chuyên ngành Marketing của trường. Nhưng khi tiếp nhận thông tin điểm mới trong đề án tuyển sinh, em khá bất ngờ, áp lực thi cử lại gia tăng.

“Việc này khiến em phải thay đổi hoàn toàn lộ trình trong năm học mới. Phương thức xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế với em không khả thi, em buộc phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đây là một bất lợi đối với bản thân em, vì ngoài việc phải thi THPT để tốt nghiệp và phục vụ một số nguyện vọng xét tuyển khác thì em phải ôn luyện thêm để thi đánh giá năng lực” - Thu Phương chia sẻ.

Còn em Phạm Minh Hùng - học sinh lớp 11, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết, bản thân không quá bất ngờ về dự kiến phương án tuyển sinh của trường. Hùng nhận định, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là ngôi trường đào tạo về kinh tế, thương mại thuộc top đầu Việt Nam. Vì vậy việc tuyển chọn đầu vào chất lượng cao là rất cần thiết.

“Trường thông báo sớm điểm mới trong quy chế tuyển sinh cũng là một lợi thế. Thí sinh sẽ có một năm để chuẩn bị ôn luyện và đưa ra những định hướng học tập phù hợp. Em dự định thi chuyên ngành Kinh tế và em đang trong giai đoạn ôn để thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Em nhận thấy việc có các chứng chỉ là một thuận lợi rất lớn, giúp bản thân có nhiều sự lựa chọn học tập ở các ngôi trường khác nhau”- Minh Hùng cho biết.

Học sinh cần thích ứng nhanh chóng

Trao đổi về vấn đề trên, cô Đào Thị Thuý Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) cho biết, phương án tuyển sinh của các trường đại học sẽ thay đổi theo từng năm, vì vậy học sinh phải thích ứng và đổi mới.

“Thay đổi dự kiến của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thể gây bất lợi cho học sinh ở nông thôn, miền núi khi không có điều kiện dự thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc không đủ điều kiện thi đánh giá năng lực.

Tuy nhiên, khó khăn thì buộc phải khắc phục, đặc biệt là trong xu thế hội nhập như hiện nay. Trong quá trình học tập, học sinh có thể học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ để thi chứng chỉ. Đơn giản hơn là nắm vững và ôn luyện các kiến thức nền để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, làm kết quả xét tuyển đại học” - cô Hà nói.

Hiệu trưởng Trường THPT Tam Đảo 2 cũng khẳng định, dù Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hay một số trường khác không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì kỳ thi này vẫn có ý nghĩa nhất định.

"Kỳ thi sẽ đánh giá được cả quá trình cố gắng, miệt mài của học sinh. Các em học sinh không được chủ quan, lơ là mà phải nỗ lực học tập bởi còn rất nhiều ngôi trường khác sử dụng kết quả này để xét tuyển. Theo đó, các em có rất nhiều sự lựa chọn cho các trường có chương trình đào tạo tương tự" - cô Hà đưa ra lời khuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn