MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên gợi ý cách chọn tổ hợp môn lớp 10

Vân Trang LDO | 17/05/2023 19:17

Ngoài câu chuyện điểm chuẩn đầu vào, điều khiến phụ huynh, học sinh lo lắng là vấn đề chọn tổ hợp môn khi lên lớp 10.

Học sinh được tự chọn tổ hợp môn

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), học sinh lớp 10 sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.

Ngoài các môn bắt buộc, các em sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau. 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chính thức áp dụng đối với bậc THPT từ năm học 2022. Về lý thuyết, học sinh được chọn các tổ hợp môn. Nhưng thực tế, các trường THPT xây dựng sẵn các tổ hợp môn để học sinh lựa chọn. Các tổ hợp môn được xây dựng dựa trên tình hình thực tế của nhà trường cũng như nhân sự hiện có. 

Với môn Nghệ thuật, một số trường tư thục, hệ thống trường liên cấp đã tận dụng nguồn giáo viên ở bậc THCS để giảng dạy nên học sinh được quyền chọn tổ hợp môn này. Còn với khối trường THPT công lập, phần lớn các trường đều thiếu giáo viên nên việc xây dựng tổ hợp có môn Nghệ thuật là điều khó có thể thực hiện.

Cân nhắc kỹ lưỡng

Theo nhiều giáo viên, việc lựa chọn tổ hợp môn rất quan trọng. Nếu lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp cho học sinh phát huy được thế mạnh của mình. Ngược lại, nếu đã lựa chọn nhưng sau này khả năng không theo được hoặc vì một lý do nào khác mà bắt buộc phải chuyển tổ hợp thì sẽ rất phức tạp. Hơn nữa, không phải học sinh, phụ huynh muốn chuyển đổi tổ hợp lúc nào thì nhà trường cũng có thể đáp ứng. 

Chính vì lí do này, ngoài việc cân nhắc điểm chuẩn các năm, phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10 còn cần tham khảo các tổ hợp môn của nhà trường. Bởi đôi khi, các tổ hợp môn do nhà trường xây dựng không phù hợp với mong muốn, năng lực của con. 

Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng muốn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định và báo cáo Sở GDĐT. Như vậy, nếu chọn sai, học sinh vẫn được chọn lại tổ hợp môn. Nhà trường sẽ bố trí thời gian hè để học sinh học bổ sung những môn chưa được học ở lớp 10. 

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường THPT khuyên học sinh cần cân nhắc thật kỹ không nên chuyển đổi môn học trong suốt 3 năm học THPT nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bản thân.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, khi lựa chọn môn học, tổ hợp môn, học sinh phải cân nhắc kĩ lưỡng, dựa trên kết quả học tập bậc THCS. Từ đó, xác định rõ những môn mình có năng lực và những môn mình yêu thích, đam mê.

"Nếu có năng lực và niềm yêu thích thì dù các em chọn môn học nào cũng sẽ thành công" - cô Quỳnh nhắn nhủ tới các em học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn