MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên gặp khó khi dạy học môn tích hợp trong chương trình giáo dục mới. Ảnh: Vân Trang

Giáo viên loay hoay dạy môn tích hợp

Vân Trang LDO | 04/08/2023 06:54

Loay hoay, cố gắng dạy được môn tích hợp đang là thực tế của nhiều giáo viên sau 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mặc dù đã hoàn thành việc bồi dưỡng dạy học môn tích hợp, nhưng việc soạn giáo án môn Lịch sử và Địa lí đối với thầy giáo Nguyễn Văn Lực - Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà - là vấn đề vô cùng khó khăn. Bởi suốt hơn 30 năm qua, thầy Lực chỉ dạy Lịch sử. Nên việc được bồi dưỡng Địa lí trong vài tháng, không thể giúp thầy khơi thông kiến thức, tự tin đứng trên bục giảng.

"Giáo viên giảng dạy chuyên sâu sẽ tốt hơn. Ví dụ, bản thân tôi học Sư phạm Lịch sử dạy môn Lịch sử là hợp lý. Nếu dạy Lịch sử và Địa lí sẽ không có chất lượng dù đã được tham gia bồi dưỡng" - thầy Lực chia sẻ.

Nếu dạy học môn tích hợp Lịch sử - Địa lí khó một thì dạy học môn Khoa học tự nhiên lại khó gấp nhiều lần, vì giáo viên phải đảm đương 3 phân môn: Hoá học, Vật lí và Sinh học cùng lúc.

Cô giáo Thuỳ Dung tốt nghiệp ngành Sư phạm Sinh học. Ra trường, cô về công tác tại trường THCS trên địa bàn Thành phố Hà Nội và có thâm niên hơn 10 năm giảng dạy môn Sinh học. Kể từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức áp dụng với bậc THCS, xuất hiện các môn học tích hợp: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên. Cô Dung cùng các đồng nghiệp đã tham gia khoá học bồi dưỡng và hoàn thành chứng chỉ Khoa học tự nhiên.

Dù vậy, cô Dung nhận thấy, bản thân vẫn chưa đủ tự tin để đứng lớp, trả lời những câu hỏi, vấn đề khó mà học sinh đưa ra.

"Việc tập huấn chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hạn, thường là từ 3 - 6 tháng. Trong khi trước đây, chúng tôi được đào tạo 4 năm ở trường sư phạm chỉ chuyên về 1 môn học. Đáng lẽ, cần phải đào tạo giáo viên dạy Khoa học tự nhiên trước khi triển khai chương trình mới" - cô Dung nói.

Giáo viên này ví, không riêng học trò tiếp cận chương trình mới, mà bản thân giáo viên cũng phải mày mò, tìm hiểu và tự nâng cao trình độ chuyên môn.

"Điều tôi lo lắng nhất là càng lên lớp cao, lượng kiến thức chuyên sâu, giáo viên khó có thể giúp học sinh hiểu sâu kiến thức, đặc biệt là những phần nâng cao" - cô Dung nói.

Sau 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Nguyễn Thị Hiền - giáo viên Trường THCS Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) - nhìn nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất và việc dạy học môn tích hợp.

"Giáo viên chúng tôi đã phải cố gắng, học hỏi rất nhiều, làm sao để thực hiện theo đúng tiêu chí, mục tiêu của môn học tích hợp. Chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều buổi tập huấn hơn nữa, để nâng cao chuyên môn, tự tin đứng lớp" - cô Hiền chia sẻ.

Cũng theo giáo viên này, hiện nay, giáo viên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu tham khảo để ứng dụng trong quá trình soạn giáo án, lên lớp.

"Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều nguồn tài liệu tham khảo, để có thêm nhiều phương pháp, tổ chức tốt cho học sinh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, tôi cũng mong, điều kiện sơ sở vật chất tại các trường học được cải thiện, để trong quá trình giảng dạy, khi có ý tưởng, chúng tôi có thể sẵn sàng thực hiện, tổ chức cho học sinh" - cô Hiền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn